Người thật sự có Chúa không thể là kẻ ăn lường, ở lận, gian xảo, điêu ngoa, tham lam, ích kỷ, và có những hành động đê tiện.
***
Vào những này đầu năm Âm Lịch tức là thời điểm người Việt Nam đón mừng Tết Cổ Truyền của dân tộc mình, chúng tôi thấy nhiều người có thói quen chúc nhau “Năm mới phát tài” bên cạnh những lời chúc lành khác. Trong tinh thần này, người viết cũng xin mượn hai chữ “phát tài” để lạm bàn chuyện tiền bạc cho vui.
Liên quan đến chuyện phát tài, người viết có nghe một câu chuyện nói về một người nhận mình là người “Được Chúa xoa đầu”. Số là tại Thành Phố San Diego hay một vùng phụ cận nào đó của thành phố này thuộc Tiểu Bang California, có một mục sư Việt Nam rất thành công về mặt vật chất và chức vụ trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngay từ vài thập niên trước, ông mục sư này từng tạo được nhiều căn nhà hay chung cư cho mướn. Trong số tài sản về địa ốc đó, ông có một căn nhà gần một triệu Mỹ kim. Ông hãnh diện mời các mục sư và tín hữu trong vùng đến để xem nhà mới lộng lẫy của ông. Trong lúc gọi mời mọi người, thông điệp mà ông gởi ra là: Hãy đến để thấy “Chúa xoa đầu tôi”. Ý ông muốn nói sự giàu có của ông là một cái phước mà ông cần phải “khoe mình trong Chúa”.
Khi suy nghĩ kiểu đó và dám nói ra như vậy, chúng tôi nghĩ ông mục sư này đang đi trên mây bởi vì không lẽ chỉ “mình ên” ông “được Chúa xoa đầu” còn quý mục sư, tín hữu chân chính khác “bị Chúa đá đít” hay sao? Thảo nào mà ông này vừa giữ chức cao trọng Hội Thánh lại vừa có dư thì giờ để tạo ra nhiều tiền mua nhà và chung cư cho đám dân nghèo và “những kẻ bị Chúa đá đít” mướn, cũng không có chi là lạ.
Một ông “mục sư” khác được xem là thất bại trong chức vụ bởi vì ông phạm nhiều thứ tội lăng nhăng khác. Ông ta cứ đòi các con phải mua xe đắt tiền, tức là loại “luxury”để ông lái hầu cho mấy mục sư khác không khinh ông. Chúng tôi không biết trường Kinh Thánh nào đã đào tạo ông này, và nhà thờ hay giáo phái nào đã “rờ đầu” tấn phong chức vụ cho ông? Làm tới chức “sư” mà còn nghèo nàn hay dốt về cách nhận xét cuộc đời đến thế. Tư cách và nhân cách của con người mới đáng trọng chứ đâu phải do lái xe sang trọng, mới là đáng trọng. Người có nhân cách và tư cách, không ai cướp được hay hạ được cái tư cách hay nhân cách của họ. Nhân cách hay tư cách là của mình có được và chính mình mới có thể tự đánh mất nó. Người khác không thể ban tặng nhân cách cho mình, hoặc giáo hội có thể rờ đầu phong cho chúng ta. Người có địa vị trong xã hội, lái xe xịn, ở nhà lầu, tiền bạc dư thừa trong ngân hàng chưa chắc là người có nhân cách hay liêm sỉ.
Người có nhân cách và lòng tự trọng đều công nhận rằng: Vật chất chỉ là phương tiện sống của con người chứ nó không phải là thước đo về mặt đạo đức của con người. Một kẻ có nhiều tiền lắm bạc nhưng mà là tiền ăn cắp, của cải gian lận, hay tài sản ăn cướp từ người khác, chắc chắn nhân cách của kẻ đó không thể hơn một người tuy nghèo nhưng có đời sống thanh bạch.
Có những thành phần, hễ mở miệng ra là nói toàn chuyện thiêng liêng. Có dịp là họ nói “Chúa”, “Chúa”, hay “A-men”, hoặc “Mô-Phật” hay “A-di-đà-Phật” không ngớt lời; thế mà khi cần dở thủ đoạn gian dối, kể cả những người từng ngồi tù vì các trọng tội cũng chưa chắc qua mặt được nhóm người này.
Ai cũng có thể phạm tội hay có lỗi lầm, nhưng khi đã phạm tội, người đó phải biết ăn năn. Có những kẻ phạm tội tham lạm tiền bạc và bị bắt quả tang, thay vì cúi đầu nhận lãnh, bọn này lại làm lơ, bất chấp những thắc mắc của những người tử tế. Một điều có thể gọi là chướng tai, gai mắt nhất khi người ta phải nhìn thấy bọn này tiếp tục mượn bục giảng, toà giảng, hay sử dụng khuôn viên nhà thờ, chùa chiền, và thánh thất để nói chuyện đạo đức, thiêng liêng một cách hết sức lố bịch.
Đọc đến đây có thể ai đó cho rằng người viết thấy người ta giàu rồi ganh ghét chăng? Xin thưa, giàu không phải là cái tội và giàu không có gì đáng ghét. Ai có nhiều tiền lắm bạc bằng những phương cách làm thương mại chân chính không có gì là xấu. Có khi người khác cũng cần phải học phương cách làm giàu của những người đó nếu mình muốn chọn con đường giàu có về mặt vật chất đời này.
Trong xã hội, người ta thấy một bác sĩ, một thương gia, một tài tử, hay nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều tiền lắm bạc là chuyện bình thường. Chứ còn kẻ nào nhận mình là “đầy tớ của dân” mà dân nghèo “mạt rệp” còn những kẻ đó giàu “nứt trứng” mới là bất thường. Thiết nghĩ ai đã đi tu hay chọn làm công tác từ thiện mà có nhiều nhà lầu, biệt thự, chung cư cho mướn, xe hơi loại đắc tiền, có công ty, có nhiều tài sản từ Việt Nam ra đến hải ngoại, dứt khoát phải cho người ta thắc mắc chứ.
Trên đời này không phải điều nào cũng đúng hay cũng tốt, cho nên Kinh Thánh khuyến cáo con dân Chúa là, “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2). Ai chọn làm theo đời này, nhiều phần sẽ nghịch lại với Thánh Kinh. Thí dụ, kẻ nào muốn phát tài theo kiểu bất chính, dứt khoát kẻ đó phải loại Chúa ra khỏi đời sống của mình. Người thật sự có Chúa không thể là kẻ ăn lường, ở lận, gian xảo, điêu ngoa, tham lam, ích kỷ, và có những hành động đê tiện.
Con dân Chúa vẫn có thể phạm tội nhưng không thể phạm tội triền miên hay theo loại “ủ tội” giống như người ta ủ hèm để nấu rượu. Nếu không loại Chúa ra, người ta không thể làm giàu bất chính. Nếu không loại Chúa ra, người ta không thể gian dối trong mua bán. Nếu không bỏ Chúa ở nhà, người ta khó mà đến sóng bạc để “thử thời vận”. Nếu để Chúa cùng đi trên xe với mình, mình không thể đi cùng người khác phái theo kiểu mờ ám vì người đó không phải là người phối ngẫu của mình. Nếu không “đuổi” Chúa ra khỏi phòng lạ, người ta làm sao phạm tội tà dâm? Nếu để Chúa trước mặt, người ta khó mà ăn nói theo kiểu mất dạy hay vô cớ nguyền rủa người khác. Nếu không coi thường sự hiện diện của Chúa trong mỗi buổi thờ phượng Ngài, người ta khó mà làm chứng dối hay làm chứng về những ơn phước thuộc loại xác thịt cho được.
Phước của Chúa không phải là loại phước về vật chất hay địa vị cao trọng ngoài đời hay trong giáo hội. Phước của Chúa phải là những thứ phước “từ chết đến bị thương” giống như mấy vị linh mục hay mục sư bên Việt Nam đang xổng lưng giảng về chân lý của Chúa, bảo vệ lẽ công chính, bênh vực người thấp cổ bé miệng, và cáo trách tội ác để cuối cùng họ phải chấp nhận sự trả thù tàn độc từ kẻ ác.
Phước của Chúa không phải chờ mỗi Chúa Nhật leo lên bục giảng hay toà giảng để nói lời thiêng liêng nửa vời và dạy cho người khác những điều mà mình không bao giờ làm được. Phước của Chúa là biết chọn vào “con đường hẹp” như lời Đức Chúa Jesus đã phán, “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít” (Ma-thi-ơ 7:13-14).
Ai có đọc Thánh Kinh Sách Ma-thi-ơ 5: 3-10 đều biết rõ trong “Bài Giảng Trên Núi” của Chúa Cứu Thế Jesus. Ngài giảng về tám phước lành, không hề có cái phước nào về vật chất cả.
Kết luận Nếu ai xem sự giàu có mới là cái phước hay thích phát tài theo kiểu bất chính, dứt khoát người đó phải “loại Chúa ra”, mới dễ dàng có được.
Để đừng ai hiểu lầm, người viết xin nói rõ trong phần kết luận này. Chúa cho những con dân Ngài thành công trên phương diện nào đó như địa vị ngoài xã hội hay sự giàu có là để góp phần hầu việc Ngài chứ không để trở thành kẻ gian manh hay nô lệ cho sự thành công đó. Nếu ai nhận mình là con dân Chúa mà chỉ thích làm theo đời này, thích của cải đời này, thích ngụp lặn trong bể lợi danh, thích đắm chìm trong vật chất, thích hãm hại người hiền theo kiểu ném đá dấu tay, và dửng dưng trước nỗi khổ đau hay sự đói nghèo của người khác, người đó hãy coi chừng, đó là cái họa đấy.
Bài giảng 23 phút (DT) St. Đề tài: Những Điều Cần Tìm Trong Năm Mới Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Quý vị sẽ có dịp nghe nhiều điều ít ai muốn đụng đến bởi vì nó rất dễ mất lòng người khác hay gây khó chịu cho giáo quyền.
Vài điều Con Dân Chúa cần suy nghĩ trong ngày đầu năm:
Ai chỉ lo xây Nhà Thờ cho thật to, thật lớn để được nổi tiếng, để báo cáo thành tích với cấp lãnh đạo của giáo hội…
Ai chỉ lo miệt mài trong các trường thần học để lấy cho bằng được những bằng cấp thật cao, thật oai mà lại lơ là trách nhiệm thiêng liêng Chúa giao, hoặc công việc mà mình đã nhận lãnh…
Bất cứ ai, bất chấp những lời than thở của con chiên, của tín hữu về các hành động quá trớn của mình, mà cứ lo bảo vệ các cái ghế cao trọng trong giáo hội hoặc những nơi gọi là hội thánh…
Bất cứ ai thường xuyên ra vào Việt Nam với những lý do không chính đáng, hoặc để đú đởn ăn chơi với kẻ gian, với chế độ độc tài trong vỏ bọc giảng đạo, từ thiện… Mà cố tình làm ngơ, hoặc dững dưng trước nỗi khổ đau, những tiếng rên siết của anh chị em cùng niềm tin và đồng bào mình thì…
Nhân ngày đầu năm, cũng nên suy gẫm lại lời của KT: “… kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội.” (Gia-cơ 4: 17)
Hoặc:
Chúa Cứu Thế Jesus đã khuyến cáo: “… Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (Ma thi ơ 7: 12)
Quý vị còn nghe thêm nhiều điều mà ít ai muốn đụng đến bởi vì nó rất dễ mất lòng người khác hay gây khó chịu cho giáo quyền.
Hỏa ngục không phải là nơi dành cho loài người mà là cho ma quỷ. Ai muốn linh hồn mình được sống đời đời trên Thiên Đàng hay sa xuống hỏa ngục đều do sự chọn lựa của người đó.
***
Bài viết này trình bày về niềm tin vào Đức Chúa Trời nhưng không dành để lôi kéo người đọc theo một tôn giáo bởi vì người viết không có nhu cầu đó. Nếu ai là người đang có sự sợ hãi, buồn lo, chán chường, tuyệt vọng và muốn tìm cầu sự bình an thật, hạnh phúc vĩnh cửu, xin vui lòng đọc tiếp để biết rõ Đức Chúa Trời phán điều gì.
Bài viết này được in thành quyển sách nhỏ theo kiểu bỏ túi, chỉ có 36 trang với phông chữ 14 để người đọc có thể dễ dàng theo dõi. Sách biếu, không bán. Tuy nhiên, nếu ai có lòng hảo tâm muốn ủng hộ chi phí in ấn, chúng tôi xin phép nhận ba Mỹ kim.
Ngoài những kẻ vô thần, bất cứ ai thuộc niềm tin tôn giáo nào cũng đều dễ dàng đồng ý rằng: Đời người thật ngắn. Thân xác loài người sẽ trở về cát bụi sau khi chết, nhưng linh hồn thì vĩnh cửu. Nếu ai ý thức rằng mình có những yếu đuối, bất toàn, và ai đó muốn tìm hiểu là sau khi mình qua đời, linh hồn mình sẽ về đâu, bài viết này sẽ giải bày điều đó dựa theo căn bản của Thánh Kinh.
Theo lời Thánh Kinh, Thiên Đàng là tặng phẩm của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được vào đó bởi vì tổ phụ loài người đã phạm tội cùng Chúa. Linh hồn của một người được vào Thiên Đàng hay sa xuống hỏa ngục đều tùy thuộc vào sự chọn lựa của người đó lúc còn tỉnh táo và đang sống trên trần gian này. Đức Chúa Trời đã bày tỏ trong Thánh Kinh, hỏa ngục không dành cho loài người biết ăn năn mà cho ma quỷ trong ngày phán xét của Ngài.
Hầu hết các tôn giáo đều dạy con người phải ăn hiền, ở lành, và tu thân tích đức. Những điều này theo tiêu chuẩn con người rất tốt, nhưng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa toàn năng hoàn toàn khác. Những việc làm lành hay công đức của con người tạo ra chỉ là cái áo nhớp hay miếng giẻ rách trước mặt Ngài. Thánh Kinh chép, “Tất cả chúng con đều trở nên như vật ô uế, mọi việc công chính của chúng con như miếng giẻ bẩn thỉu; tất cả chúng con đều khô héo như chiếc lá, và tội ác chúng con như gió lùa mình đi” (Sách Ê-sai 64:6).
Theo tiêu chuẩn của con người, việc định nghĩa chính xác về hành động tốt hay xấu của một cá nhân chỉ là tương đối và thường thiếu chính xác. Theo chúng tôi, người được xem là tốt là người chưa bị lộ những điều xấu. Thật sự, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, trên trần gian này chẳng có ai là người tốt cả. Thánh Kinh đã khẳng định, “Chẳng có một ai công chính cả, dù một người cũng không” (Sách Rô-ma 3:10).
Trong phạm vi tôn giáo, có lẽ mọi người đã từng nghe lời dạy rằng, chính con người phải tự diệt cho bằng được các tánh xấu hay tội lỗi để có thể vào một nơi vĩnh cửu nào đó. Đại ý những thói hư, tật xấu, và tội lỗi đó là: Tham lam, ích kỷ, ganh gét, đố kỵ, có hành động ngu muội, ác độc, vui chơi quá độ, tức giận, gian dâm, thù hằn, và căm ghét. Chưa hết, lời dạy đó còn cho rằng: Không ai cứu được linh hồn mình mà chính mình phải làm điều đó. Nếu “kiếp này” mình không diệt xong các thứ xấu, hay tội lỗi, phải chờ “kiếp sau” diệt tiếp. Nếu “kiếp sau” hay “các kiếp kế tiếp” mình không diệt được, muôn đời phải bị trầm luân hay đắm chìm trong bể khổ.
Nghe qua những tiêu chuẩn trên, có ai dám khẳng định những suy nghĩ và việc làm hằng ngày của chính mình đã diệt được cái gì trong số tật xấu hay tội lỗi đó rồi? Thành quả “diệt” của mình có đáp ứng được tiêu chuẩn nào đó không? Giả sử nếu có kiếp sau, mình có dám bảo đảm là mình diệt khá hơn không? Đó là những câu hỏi, thiết nghĩ con người nên suy gẫm để biết mình cần làm gì trước khi quá muộn.
Người viết hân hạnh đọc và học những lời dạy trong Thánh Kinh được mặc khải từ Thiên Chúa, và những điều đó có liên quan đến vấn đề “sống chết”, “tự diệt”, và “tự cứu”. Theo lời Thánh Kinh, con người không còn một “kiếp” nào khác mà chỉ có duy nhất “một đời” trên trần gian này. Loài người được sanh ra và chết trong tội lỗi, nhưng chết chưa phải là hết. Ai cũng ngại chết hay sợ chết, nhưng chưa ai thoát khỏi sự chết. Thánh Kinh khuyến cáo, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét. (Sách Hê-bơ-rơ 9:27).
Ai có quyền phán xét? Thánh Kinh đã bày tỏ, “Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần để xóa bỏ tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban ơn cứu rỗi cho những người trông đợi Ngài” (Sách Hê-bơ-rơ 9:28).
Đấng Christ là ai? Xin thưa, Ngài là Đức Chúa Jesus. Ngài là Đấng Cứu Thế. Thánh Kinh chép rằng, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Sách Phúc Âm Giăng 3:16).
Theo lời Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus là Con Trời. Ngài là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Ngài đã giáng trần qua mẹ phần xác là Nữ Đồng Trinh Ma-ri, người nữ được Đức Chúa Trời chọn để thụ thai Đức Chúa Jesus bởi Đức Thánh Linh. Chúa Ngôi Hai được sanh ra như bao nhiêu hài nhi khác. Ngài lớn lên, chịu nhục hình trên thập tự giá, và Ngài đã chết. Ngài được chôn trong mộ. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại và thăng thiên. Thánh Kinh cho biết, Đức Chúa Jesus chết vì tội của nhân loại, trong đó có quý vị và chúng tôi.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tin những điều nêu trên; vì thế, Thánh Kinh đã căn dặn trước, “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Sách Rô-ma 10:17). Chúng tôi đang làm công việc rao giảng để những ai chưa nghe, chưa biết có thể nghe và biết. Phần còn lại do người nghe tự quyết định.
Xin trở lại vấn đề “tự diệt” để “tự cứu”. Chúng tôi tin chắc là mình không thể tự diệt và tự cứu. Lý do, bản chất của con người là bất toàn, và muôn đời sẽ là bất toàn. Bất cứ ai cũng có thể tự tra xét hay cật vấn lương tâm để xem những gì mình làm từ trước đến giờ và sau này, liệu những điều đó có giúp mình đủ tiêu chuẩn để một Chân Thần nào đó có thể dung dưỡng mình hay không?
Giả sử, nếu ngoài Đức Chúa Trời ra, còn một “chân thần” nào khác, lẽ nào chân thần đó lại chấp nhận những lễ vật hối lộ từ những con người tội lỗi ở trần gian? Đức Chúa Trời, Thiên Chúa hay còn gọi là Ông Trời, chỉ cần lòng thành của con người chứ không cần con người dâng lễ vật theo kiểu hối lộ bởi vì Ngài là Chân Thần. Trong đời sống hằng ngày, người ta đã thấy không ít kẻ mang tiền gian, bạc lận, của hối lộ, đồ vật ăn cắp, của cải ăn cướp từ những người khác để dâng, để cúng vào những nơi mà những kẻ đó tin rằng “thiêng liêng”. Chắc chắn chỉ có ma quỷ hay tà thần mới nhận sự hối lộ từ những kẻ gian ác như vậy.
Ma quỷ không phải là chuyện ảo tưởng mà là thật, và ma quỷ cũng có quyền năng riêng của nó. Nếu ma quỷ không có quyền năng để đáp ứng sự van vái của con người, chẳng ai bị lừa. Công việc của ma quỷ là chống nghịch lại Đức Chúa Trời bằng cách khuyến dụ và lừa gạt con người làm theo con đường của chúng nó để linh hồn con người bị hủy diệt đời đời. Chỉ có ma quỷ mới dối gạt con người, nhất là những người dị đoan mê tín. Ma quỷ sẵn sàng nhậm lời van vái hay cầu xin của những ai chạy theo các vấn đề có tính cách xác thịt đời này. Dĩ nhiên, sự đáp lời của ma quỷ trông rất linh thiêng nhưng chỉ là tạm bợ. Người tin nó sẽ lọt vào vòng kiềm tỏa và kiểm soát của nó, và kết quả sẽ là sự chết đời đời dành cho những ai chọn dây dưa với chúng.
Ai có lòng muốn tìm kiếm Chân Thần chắc chắn sẽ gặp. Như chúng tôi đã nói, Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra loài người và vũ trụ này mới thật sự là Chân Thần. Khi ai đã đầu phục Đức Chúa Trời, người đó sẽ lập tức có sức mới từ Ngài. Sức mới đó khiến cho ma quỷ không còn khả năng khống chế người đó nữa. Khi còn tại thế, Đức Chúa Jesus đã phán, “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở cho các con. Vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; và ai gõ thì cửa sẽ được mở” (Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:7-8).
Đọc đến đây, chắc có người sẽ nghĩ thầm: Tôi chưa thấy Chúa làm sao tôi tin? Xin thưa, nếu chúng ta đã thấy điều gì rồi, đó không còn là đức tin mà chỉ là sự công nhận hay chối bỏ. Những người tin vào quyền năng của Chúa là do họ tự ý thức về sự giới hạn và bất toàn của mình, hoặc họ được Đức Thánh Linh cảm động lòng họ. Cũng có thể do họ ngắm nhìn và hiểu biết về sự kỳ diệu của thân thể con người, nhất là trật tự của vũ trụ do Đấng có quyền năng cầm giữ. Điều này cũng giống y như có người đã nhận xét: Con người chỉ có thể thấy sức mạnh hay năng lực của dòng điện, chứ chưa ai thấy điện có hình dáng hoặc màu sắc của nó ra sao bao giờ. Thánh Kinh chép lời phán của Đức Chúa Jesus về điều này rằng, “Phước cho những người không thấy mà tin!” (Sách Phúc Âm Giăng 20:29b). Nhiều tỷ người trên trần gian này, trong đó có chúng tôi, đã tin và đã nhận được phước này.
Liên quan đến chuyện “làm lành, lánh dữ”, chúng tôi không thể quên nhắc đến một nhân vật rất đặc biệt được Thánh Kinh đề cập. Người đó là một người Do Thái có quốc tịch La Mã tên là Phao-lô. Ông Phao-lô là người hiểu luật, giữ luật và có quyền lực thời bấy giờ. Ông từng bắt bớ và giết nhiều người tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus. Dù vậy, Ông Phao-lô đã bị Chúa bắt phục. Sau khi người trở thành sứ đồ của Đấng Cứu Thế, người đã cật lực góp phần loan truyền Đạo Chúa khắp nơi.
Sứ Đồ Phao-lô từng tuyên bố, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Sách Ga-la-ti 2:20). Trước khi Thánh Phao-lô tử đạo, người từng than thở rằng, “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Sách Rô-ma 7: 18-19).
Nếu có ai cho rằng mình phải tự cứu lấy linh hồn mình bằng những việc làm có tính cách phước thiện và công đức đời này, người đó cũng nên biết về sự khuyến cáo của Thánh Kinh, “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều này không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời” (Sách Ê-phê-sô 2:8).
Không ít người đã nói rằng tôi được cha mẹ sanh ra, và tôi đã có một tôn giáo riêng. Tôi không thể theo một tôn giáo nào khác, nhất là nghe những người ngoại quốc chiêu dụ tôi ruồng bỏ đạo của mình. Thật sự, đạo của người Việt Nam chính là Đạo Thờ Trời chứ không có đạo nào khác là của riêng người Việt Nam. Đạo Thờ Trời của người Việt Nam hết sức phù hợp với những gì Thánh Kinh bày tỏ. Trước nhà của nhiều người Viêt Nam chúng ta có bàn thờ “Ông Thiên”. Ông Thiên này là Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh. Nhiều câu ca dao Việt Nam cũng nói lên chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời từ ngàn xưa như, “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày.” Hoặc “Lạy Trời mưa thuận gió hòa.” Khi khổ đau hoặc tai nạn, chúng ta cũng kêu “Trời ơi, cứu con với”. Chúng ta thờ Trời trước tất cả các tôn giáo khác du nhập vào đất nước chúng ta.
Tin thờ Đức Chúa Trời không có nghĩa là gia nhập một tôn giáo theo kiểu ăn hiền, ở lành, hoặc tu thân tích đức để tự cứu. Công đức của con người không thể cứu được linh hồn mình như Thánh Kinh đã khuyến cáo, “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Sách Công vụ 4:12).
Hệ thống các tôn giáo, kể cả những tập hợp của những người gọi Đức Chúa Trời là Cha, vẫn không cứu được linh hồn con người trên trần gian này. Muốn được cứu về phần linh hồn, con người cần công khai tiếp nhận sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus. Ai tin và đầu phục Chúa sẽ được Ngài biến đổi người đó từ một tội nhân trở thành con dân Ngài. Đức Chúa Jesus phán, “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những ai tin danh Ngài” (Sách Phúc Âm Giăng 1:12).
Con dân Chúa không phải là những người hoàn hảo, mà là những tội nhân đã được Chúa tha tội. Con dân Chúa cố sống theo lời Chúa mỗi ngày để tìm kiếm sự nên thánh. Nếu có ai nhận mình là con dân Chúa mà vẫn tiếp tục phạm tội, đó là vấn đề của cá nhân người đó. Thiết nghĩ, người ta không thể vì tội lỗi của người khác mà khiến cho linh hồn mình phải sa vào hỏa ngục chỉ vì quyết định từ chối sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời toàn năng.
Thánh Kinh đã bày tỏ: Ai tin và tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, lập tức tội người đó được tha và linh hồn người đó được cứu. Tiếp nhận Chúa để linh hồn được cứu rỗi sau khi lìa trần và nhận được sự bình an thật khi còn sống trên trần gian. Nếu ai là người đang đau khổ, tuyệt vọng, và không có sự bình an, xin người đó hãy kêu cầu danh Chúa bởi vì Đức Chúa Jesus đã hứa, “Ai tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh-thánh đã chép vậy” (Sách Phúc Âm Giăng 7:38).
Tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất. Việc đến nhà thờ hay thánh đường để cùng mọi người thờ phượng Chúa là đến từ tấm lòng khao khát và vui mừng vì mình muốn được chiêm nghiệm quyền năng kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa không thể đi nhà thờ theo kiểu “trả lễ” giống như một người chỉ thuần túy theo một tôn giáo. Tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời không có nghĩa là cầu nguyện hay van vái điều gì cũng được nhậm theo kiểu con người dùng lễ vật để hối lộ những thần của thế gian để mong được như ý.
Chúng tôi xin lặp lại điều quan trọng này: Ai tiếp nhận sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời, tội người đó được tha, linh hồn người đó được cứu sau khi lìa trần. Đặc biệt, khi người đó còn sống trên trần gian này sẽ được Chúa ban cho sự bình an thật dù phải đứng trước hoàn cảnh hay nghịch cảnh nào.
Chưa hết, người tin và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ biết rõ Ngài dạy gì về trách nhiệm và lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, và cha mẹ. Thánh Kinh không hề dạy con người xem thường hay ruồng bỏ người bề trên. Thánh Kinh dạy con người phải tuyệt đối kính trọng và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc các vị ấy còn sống chứ không chờ khi các vị qua đời rồi mình mới thờ cúng và vái lạy họ để bày tỏ lòng hiếu thảo hay xin xỏ “phép lạ” từ người đã chết.
Kết luận Đối với những ai đang có sự bất an, đau khổ, hoặc tuyệt vọng, xin hãy nghe lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ. Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28-30).
Nếu ai muốn tiếp nhận Chúa, xin làm ngay, đừng chờ ngày mai. Cái ngày gọi là “ngày mai” có khi nó không còn đến với bất cứ ai trong chúng ta nữa.
Làm thế nào để tiếp nhận Chúa? Xin thưa, rất đơn giản nhưng phải có lòng thành. Con người chỉ cần mở miệng mình ra và thưa trình với Chúa vài lời ngắn gọn giống như người con thưa chuyện với cha của mình. Chúng tôi xin gợi ý: Lạy Chúa, con tin rằng con là kẻ có tội. Con tin Đức Chúa Jesus là Con Trời. Ngài là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Con tin rằng Ngài đã giáng trần và chết thay cho tội lỗi của loài người, trong đó có con. Xin Chúa thương xót linh hồn con. Xin Chúa tha tội cho con và nhận con làm con cái của Ngài. Amen!
Sau khi quý vị cầu nguyện xong, quý vị có thể liên lạc với người trao cho quý vị quyển sách bé nhỏ này để người đó giải thích thêm và cùng đồng hành với quý vị trong niềm tin Thiên Chúa. Nếu quý vị muốn một người nào cùng cầu nguyện với mình, xin vui lòng liên lạc với quý mục sư, hay tín hữu Tin Lành nào tại địa phương, hoặc người viết bài này để chúng tôi hân hạnh giúp quý vị làm điều đó.
Cầu xin Đức Chúa Trời nhân từ ban phước đặc biệt cho những ai đọc đến dòng chữ này. Amen!
Tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh là ý của con người. Rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa Cứu Thế mới là ý Chúa.
***
Các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh không hề có một chỗ nào nói rằng Đức Chúa Jesus tức là Chúa Cứu Thế giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai. Kinh Thánh cũng không đề cập đến việc con dân Chúa phải tổ chức kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng trần. Trái lại, Kinh thánh khuyến cáo con dân Chúa phải tưởng niệm sự chết của Ngài và căn dặn là hãy làm điều đó để nhớ đến Chúa và rao truyền sự chết của Chúa cho tới khi Ngài trở lại thế gian để phán xét những kẻ có tội.
Hằng năm, người viết và gia đình cũng tham dự những buổi Kỷ Niệm Chúa Giáng Sinh như bao nhiêu người khác. Chúng tôi không chống việc tổ chức ngày này. Tuy nhiên, chúng tôi không ủng hộ việc tổ chức quá rình rang ngày này, nhưng lại xem nhẹ việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa.
Theo lời khuyến cáo của Kinh Thánh, việc rao truyền sự chết và sư sống lại của Chúa mới là quan trọng, và đó mới là ý Chúa. Tổ chức kỷ niệm Mừng Chúa Giáng Sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai, hay bất cứ ngày nào cũng đều không phải ý Chúa mà do con người tạo ra. Không phải ai cũng biết điều này, nhưng cho dù có biết cũng không ai “dại” để nói ngược lại giáo quyền, hay đám đông. Thực tế, không phải lúc nào giáo quyền cũng đúng và không phải đám đông lúc nào cũng phải. Chỉ có chân lý của Chúa mới là đúng, và chỉ có chân lý mới là bất diệt.
Nếu tổ chức ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh để vinh danh Đức Chúa Trời là việc làm tốt, nhưng chớ nên làm lu mờ mạng lệnh Chúa giao phó. Mạng lệnh đó là rao truyền sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus, như đã nói.
Nếu lời tâm tình và giải thích của chúng tôi về ngày này vẫn chưa đủ thuyết phục những ai xem việc tổ chức kỷ niệm Chúa giáng trần là quan trọng hơn là rao truyền sự phục sinh của Đức Chúa Jesus, chúng tôi xin trân trọng mời người đó nên đọc lại Kinh Thánh Sách 1 Cô-rinh-tô 11, nhất là đọc từ câu 23-26.
Căn cứ vào các dữ kiện trong Kinh Thánh, các nhà bình giải Thánh Kinh, và các sử gia tôn giáo đều đồng ý rằng: Các Hội Thánh Cơ Đốc, trong hơn 300 năm đầu tiên của lịch sử Cơ Đốc Giáo và Công Giáo La-Mã không hề giữ lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế.
Trong tài liệu, “The Meanings of Christmas” (Ý Nghĩa Lễ Christ Giáng Sinh) do Cụ Trần Văn Can, Oklahoma City, OK, biên soạn (1). Trong bài viết có một đoạn như sau: Ngày 25 tháng 12, Kinh Thánh Lược Khảo Halley viết rằng, ngày nay người ta kỷ niệm sanh nhật Đấng Christ vào ngày 25 tháng 12. Kinh Tân Ước không có một lời nào nói về Sinh Nhật này. Lễ Sinh Nhật Đấng Christ khởi xướng trong Thế Kỷ Thứ Tư: Những Hội Thánh ở Miền Tây giữ lễ ngày 25 tháng 12; những Hội Thánh ở Miền Đông giữ lễ ngày 6 tháng Giêng. (Hết trích)
Sự tích Đức Chúa Jesus giáng trần đã ghi lại một biến cố trọng đại của nhân loại. Đó là thời điểm bắt đầu có Tây Lịch và kèo dài đến ngày nay. Cho dù Đức Chúa Jesus giáng sinh vào ngày 25 Tháng Mười Hai hay ngày nào đi nữa, dứt khoát, biểu tượng hay ý nghĩa của “Lễ Giáng Sinh” không phải là mấy cây thông, các gói quà, những lời chúc tụng suông trên các tấm thiệp với lời lẽ được in sẵn. Ngày này không thể chỉ là hình ông già Nô-en, những bài viết, bài giảng luận thật hùng hồn về “yêu thương” nhưng lại thiếu tình yêu thương đích thực. Nói chung, người ta không thể mừng Chúa giáng sinh bằng thái độ vô cảm trước những trường hợp cần được cảm thông và giúp đỡ.
Người đời thường nói, “Chữ có nghĩa của nó”. Vậy thì, hai chữ “yêu thương” dứt khoát phải là yêu thương đích thực, và là sự cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Những điều này bắt nguồn từ sự rung động của con tim mà Đức Chúa Trời nhân từ đã ban cho con người. Ai không còn cảm thấy lòng mình rung động trước nỗi khổ đau của người khác, cho phép người ta nghi ngờ các loại “yêu thương” mình đang cổ vỏ hay giảng dạy cho người khác. Tình yêu thương đích thực phải là tình yêu thương vô bờ bến của bà mẹ ruột đối với con cái, chứ không phải loại “yêu thương” của mẹ mìn (2).
Tây Lịch mà con người sử dụng ngày hôm nay khởi đầu từ thời điểm Hài Nhi Jesus lọt khỏi lòng mẹ phần xác. Theo lời Kinh Thánh, Đức Chúa Jesus là Con Trời, là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi. Ngài đã giáng trần qua mẹ phần xác là Nữ Đồng Trinh Ma-ri, người nữ được Đức Chúa Trời chọn để thụ thai Đức Chúa Jesus bởi Đức Thánh Linh. Chúa Ngôi Hai được sanh ra như bao nhiêu hài nhi khác. Ngài lớn lên, chịu nhục hình trên thập tự giá, và Ngài đã chết. Ngài được chôn trong mộ. Sau ba ngày, Ngài đã sống lại và thăng thiên. Kinh Thánh cho biết, Ngài chết vì tội của nhân loại.
Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh không phải là những tấm thiệp, cây thông, gói quà, và ông già Nô-en, như đã nói. Người ta không thể mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh trong thái độ dửng dưng trước nỗi khổ đau của người khác. Số người thật sự tổ chức kỷ niệm mừng ngày Đức Chúa Jesus giáng trần song song với việc bày tỏ tình yêu thương với nhau một cách chân thành vẫn là con số đáng cho người khác bận tâm. Người ta căn cứ vào cung cách đối xử quá tệ bạc của một số người nhận mình là “Con dân Chúa” dành cho nhau hay cho người khác, để người ta có nhận xét đó. Điều đáng mừng và thật khích lệ bởi vì có nhiều con dân Chúa đã công khai hoặc âm thầm xả thân để cứu giúp những người bị xã hội ruồng bỏ, những người bị hà hiếp, và những người cần sự giúp đỡ của người khác.
Tại các nước độc tài, đặc biệt là tại Việt Nam ngày nay, Cơ Đốc Nhân chân chính không thể ung dung tự tại và thoả hiệp với kẻ mạnh, hay nói theo bọn gian ác để được an thân. Cơ Đốc Nhân có tình yêu thương không thể quên những anh chị em trong Chúa của mình bị kẻ ác giam cầm trong tù hay bị đàn áp bằng nhiều hình thức.
Tại các quốc gia tự do, Cơ Đốc Nhân chân chính không thể chỉ vì muốn chứng tỏ với mọi người rằng mình là người có đạo, cần mừng Chúa giáng sinh một cách long trọng, để rồi những tốn kém về vật chất trở thành gánh nặng thay vì phước hạnh. Cơ Đốc Nhân có tình yêu thương đích thực không thể tặng nhau những món quà không cần thiết, mà lại vô tình trước sự đói rách của những người không nhà và lê la trên các đường phố trong mùa đông giá buốt.
Mừng này quan trọng này còn có nghĩa là phải góp phần rao giảng ơn cứu rỗi của Chúa đến với những ai chưa biết về lẽ đạo của Ngài. Đừng vô tình làm cho người khác hiểu sai rằng, ngày Giáng Sinh là ngày của chưng diện, tặng quà, giăng đèn, dựng cây thông, và tiệc tùng vui chơi.
Lúc Đức Chúa Jesus còn ở trần gian, Ngài lập các môn đồ. Ngài giảng về Nước Trời, dạy các môn đồ về tình yêu thương, và dạy họ làm giống Ngài. Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, Chúa chết, và Chúa đã sống lại rồi thăng thiên. Đó là những dữ kiện được phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho mọi người biết.
Đạo của Chúa là đạo yêu thương. Ai giảng về sự yêu thương, người đó phải sống yêu thương. Người ta không thể vừa đối sử tệ bạc với nhau, mà lại dạy người khác tin vào những gì gọi là “tình yêu thương” mình đang giảng dạy. Nếu ai không có tình yêu thương một cách thật sự, có tâm địa gian ác, thích giở những thủ đoạn đê tiện để hãm hại người; dứt khoát, người đó không thể có năng quyền của Chúa để lãnh đạo tinh thần cho người khác tại những nơi gọi là Hội Thánh Chúa. Người như thế không thể làm “cha” làm “sư” hay làm “thầy” thiên hạ.
Kinh Thánh đã khuyến cáo rằng: “Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô-rinh-tô 13:2-3).
Kết luận Con dân Chúa phải luôn bày tỏ tình yêu thương đích thực đối với mọi người. Kinh Thánh dạy, “Hãy nhớ những ai mắc vòng xiềng xích, như mình cùng phải xiềng xích với họ, lại cũng hãy nhớ những người bị ngược đãi, vì mình cũng có thân thể giống như họ” (Hê-bơ-rơ 13: 2).
Kỷ niệm ngày Đức Chúa Jesus giáng sinh phải trong tinh thần tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngoài việc giảng về Nước Trời, giảng về sự giáng trần của Chúa, dứt khoát con dân Chúa phải nói rõ về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus. Không phải chúng ta chỉ nói một lần trong mùa Giáng Sinh hay mùa Phục Sinh mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên và liên tục nhắc về điều quan trọng này.
Huỳnh Quốc Bình Mùa Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh 2022
Ghi chú:
Nếu Cụ Trần Văn Can còn sống, Cụ đã ngoài trăm tuổi. Cụ Can là một học giả, là tác giả của những bài viết, tác phẩm nhỏ, giá trị bằng Anh ngữ và Việt ngữ.
Danh từ “mẹ mìn” bắt đầu được nhắc đến nhiều nhất vào đầu thập niên 70 để ám chỉ người đàn bà ác độc chuyên dụ dỗ, lừa phỉnh, và bắt cóc trẻ con đem đi bán.
Bài giảng 25 phút (DT) St. Đề tài: Chuẩn Bị Tham Dự Lễ Giáng Sinh Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Ngày Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh là biểu tượng của yêu thương. Thế nhưng số người thật sự mừng ngày Chúa Cứu Thế giáng trần và bày tỏ tình yêu thương với nhau một cách chân thành, vẫn là con số đáng cho chúng ta bận tâm.
Tôi căn cứ vào cung cách đối xử với tha nhân từ một số người nhận mình là “con dân Chúa” để có nhận xét trên. Người ta có thể tổ chức lễ Giáng Sinh một cách rầm rộ, tốn kém và nói về tình yêu thương rất tích cực, nhưng thể hiện tình yêu thương bằng hành động cụ thể rất là tiêu cực và người ta rất ngại. Người ta ngại là vì nếu không khéo, người khác nói mình làm chính trị, và nhất là hoặc bọn cướp, bọn độc tài nó buồn, ma quỷ nó không vui. Thôi thì mình cứ lo thủ thân, còn đứa nào chết, kệ cha hay kệ tía nó, bởi vì mình cần có thêm thì giờ nói chuyện “yêu thương”.
Xin vui lòng chuyển đến nhiều người khác. Xin đạ tạ! Trân trọng, Huỳnh Quốc Bình Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Bài giảng 25 phút tại Thánh Kinh Viện Việt Nam hay The Vietnamese Bible Institute (V.B.I.), Olympia, Washington, USA ngày 6 Tháng Tám, năm 2016. (KHÔNG phát thanh trên radio)
Đề tài: Sống Gương Mẫu và Khích Lệ
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Nội dung bài giảng luận nhằm mục đích chia sẻ một số ý tình và quan điểm thần học đến với quý giáo sư, mục sư, sinh viên và tín hữu tham dự ngày Hội Thảo, nhưng cũng để chia sẻ với quý anh chị em Tin Lành.
Nếu có ai muốn tâm tình, thắc mắc, kể cả phản bác những lời lẽ trong bài giảng, xin vui lòng liên lạc: Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Hằng năm tôi quảng bá lại bài viết này để nhắc mọi người và nhắc chính mình về loại khí độc Carbon Monoxide. Tôi sẽ không đăng tải bài này nữa khi không còn ai chết bởi “tên sát thủ thầm lặng” mà tôi sẽ đề cập trong những phần kế tiếp.
***
Tiêu đề bài viết này không dính dấp gì đến nhạc phẩm “Tình chết theo mùa đông” của Nhạc Sĩ Lam Phương. Những điều mà người viết nêu ra chỉ để chúng ta giúp nhau ghi nhớ và cẩn thận hơn vào mỗi mùa đông, hầu cho hằng năm số người chết theo mùa đông được giảm đi.
Ít tai ngờ, tại quốc gia văn minh như Hoa Kỳ có đầy đủ tin tức, vậy mà mùa đông nào cũng có hằng trăm người chết vì sự bất cẩn hay do thiếu hiểu biết về một loại khí độc giết người một cách nhẹ nhàng. Khí độc này có tên gọi “Carbon Monoxide” mà người Mỹ cho đó là “The Silent Killer”, tạm dịch, “sát thủ thầm lặng”.
Khí “Carbon Monoxide” hay “The Silent Killer là gì?
Khí Carbon monoxide RẤT ĐỘC, KHÔNG MÀU SẮC, KHÔNG CÓ MÙI, cho nên mắt người không thấy và mũi người không ngửi được. Ai hít khí này vào buồng phổi trong vài phút, người đó có thể chết một cách nhẹ nhàng.
Khí Carbon monoxide được tạo ra từ các khí đốt như ga, xăng, dầu nhớt, dầu lửa, củi, hoặc than đá khi được đốt lên. Lò ga trong nhà bếp và lò sưởi (fireplate) được chế biến đúng tiêu chuẩn, nên số lượng khí carbon monoxide thường không nguy hiểm. (1)
Người Chết Vì Khí Carbon Monoxide
Khí này được thả ra từ các loại máy chạy bằng nhiên liệu bị hư, hoặc sử dụng than đá nướng thịt (BBQ) không đúng cách và đúng nơi. Số người chết và suýt chết nhiều nhất từ ống khói của các loại xe hơi và than đá trong các trường hợp sau đây:
Vào mùa đông để xe trong nhà xe (garage) và cho máy chạy để tạo độ ấm trong nhà khi bị cúp điện, hoặc làm nóng máy xe trước khi lái.
Lái xe đường dài rồi ngừng xe nghỉ mệt, cho máy xe chạy để giữ độ ấm trong xe vì ngoài trời nhiệt độ lạnh. Khí độc Carbon Monoxide lẻn vào xe từ đầu máy xe hay phía sau xe (car’s trunk). Trường hợp này mở hí cửa kính cũng không xong mà đóng kín lại cũng tai hại.
Lúc lái xe để hệ thống thông hơi (vent) ở vị trí tắt (off) nhưng cửa xe lại đóng kín. Khí độc từ máy xe lẻn vào bên trong mà không thoát được. Người lái xe hít khói độc rồi từ từ lịm đi và xe trở nên không người lái.
Trời lạnh nướng thịt trong nhà, hoặc nướng thịt ngoài trời còn dư than hồng, vì tiếc nên mang vào nhà sưởi ấm cho đỡ tốn điện. Sử dụng lò sưởi (fireplace) để đốt củi, hoặc đốt than đá luộc bánh tét, hoặc sử dụng lò sưởi loại chỉ dành cho ngoài trời (for outdoor use only).
Hình: Những nơi hay vật dụng thải ra khí độc (Sources of carbon monoxide in a home)
Nhiều tài liệu chứng minh là khí carbon monoxide có thể tích tụ nhanh đến mức các nạn nhân bị ngất đi trước khi họ có thể kêu cứu. Nếu ở mức ngộ độc trung bình, nạn nhân có thể cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, thần kinh rối loạn, muốn nôn mửa, hoặc ngất xỉu.
Khi phát giác các triệu chứng trên, việc cần phải làm là lập tức mở các cửa chính và cửa sổ, tắt các lò ga, lò sưởi, hoặc đồ dùng đang đốt bằng nhiên liệu. Chính mình hay người trong gia đình phải nhanh chóng ra khỏi nhà và gọi xe cấp cứu do dù chưa ai tắt thở. Thà tốn tiền cho xe cứu thương còn hơn tốn nhiều tiền sau đó.
Sơ đồ từ những nguồn có thể sinh ra khí độc carbon monoxide
Để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng, chúng ta cần tuyệt đối lưu ý ít nhất 6 KHÔNG sau đây:
Không bao giờ để xe hơi nổ máy trong nhà xe (garage) cho dù cửa được mở 100%.
2. Không bao giờ chạy máy phát điện trong nhà, trong nhà xe, hay tầng hầm (basement).
3. Khi chạy máy phát điện ngoài trời, cần để cách xa cửa sổ và cửa chính, nếu các cửa đang mở.
4. Không bao giờ đốt than đá (charcoal) trong nhà, kể cả đốt tại lò sưởi (fireplace), trong lều, trong xe hoặc trong nhà xe.
5. Không bao giờ dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.
6. Không bao giờ ngủ trong xe trong lúc để máy chạy với mục đích cho máy sưởi hay máy lạnh hoạt động, nhất là để trẻ con ngủ trên car seat, dù có người lớn canh giữ.
Làm Sao Để Phát Hiện Khí Độc Carbon Monoxide?
Chiếc máy phát hiện trong không khí có khí độc “carbon monoxide “với vài tên gọi như “Carbon Monoxide Alarm”, “hoặc “Carbon Monoxide Detector”. Người viết xin đề nghị mỗi tư gia và văn phòng làm việc nên có ít nhất một cái, hoặc vài cái. Có những chiếc máy chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong. Mỗi chiếc máy khoảng 20-30 Mỹ kim. Nếu mua chừng vài cái hầu đề phòng chuyện rủi ro, giá tiền mỗi cái rẻ hơn giá mua một chai rượu Tây, hay một vé vào cửa cho một dạ tiệc, hoặc đôi vợ chồng đi ăn phỏ, nhưng nó lại cứu được sinh mạng nhiều người.
Mua máy báo động có khí độc “Carbon Monoxide” ở đâu? Xin thưa, các tiệm bán dụng cụ kim loại và điện (Hardware) như Home Depot, Lowe’s, Costco…
Hình chiếc máy báo động khói và khí độc “Smoke and carbon monoxide detector”
Kết Luận
Trong đời sống hằng ngày, không có điều bất trắc nào giống nhau, và cũng “chẳng có cái dại nào giống cái dại nào” như người xưa đã nói. Chúng ta đừng nên để “mất trâu rồi mới làm chuồng”. Hãy mua ngay vài chiếc máy nêu trên để sử dụng vào mùa đông và trọn năm. Hãy làm ngay trước khi quên. Hãy xem mạng sống của mình và người thân mình quý hơn vật chất đời này. Nếu chúng ta có nhiều tiền trong nhà băng, tư gia sang trọng bậc nhất, xe đẹp hay loại luxury đắc tiền, nữ trang đắc giá, quần áo toàn là đồ hiệu, bóp da vài ngàn một cái, tốt. Tuy nhiên, hãy coi chừng, những thứ đó không cứu được mạng sống chúng ta trên cõi đời này chứ đừng nói là linh hồn chúng ta được vào Thiên Đàng hay Niết Bàn.
Ghi chú:1. Tôi viết bài này dựa trên tài liệu của “Washington State Department of Health” (www.doh.wa.gov) và một số dữ kiện từ những cơ quan có thẩm quyền bảo đảm sự an toàn cho công chúng.