Mọi thắc mắc về Trang Nhà này, quý thính giả và độc giả có thể liên lạc:
e-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
Mọi thắc mắc về Trang Nhà này, quý thính giả và độc giả có thể liên lạc:
e-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
Huỳnh Quốc Bình
Người ta không thể đổ thừa cho Thiên Chúa hay Ông Trời về tánh khí của mình. Đừng bao giờ khẳng định rằng, “Trời sanh tôi như thế” bởi ai cũng có thể chọn lựa để làm nên tánh tình của mình.
***
Khi nói đến chuyện “phục vụ khách hàng” nó rất dễ dàng làm cho người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người bán phải chiêu đãi người mua trong ngành thương mại, tức là làm thế nào để người mua hàng hoặc mua dịch vụ thích người bán hàng hay bán dịch vụ. Nếu người mua hài lòng, họ sẽ quay trở lại nhiều lần khác ở những nơi họ thích. Nghĩ như thế không sai, nhưng không hoàn toàn chính xác. Thực tế hai chữ “phục vụ” không chỉ áp dụng trong việc mua bán mà còn dành cho nhiều trường hợp và nhiều lãnh vực khác, kể cả chuyện chính trị, và những nơi thuộc về tín ngưỡng tôn giáo.
Thỉnh thoảng, tôi thấy người Việt mình hay quảng cáo cho cơ sở thương mại của họ bằng câu có tính cách khẩu hiệu theo kiểu “giật gân” (slogan) để tạo sự chú ý của người khác giống như, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Vậy mà không ít những nơi có lời quảng cáo như thế, người ta tới một lần và không bao giờ muốn quay trở lại bởi vì người ta đã vui lòng đến và cũng đã “kinh hoàng” trước khi ra đi. Tôi từng có kinh nghiệm đó. Tôi không nói những nơi đó quảng cáo dối trá hay cường điệu. Tôi nghĩ chắc là họ cũng muốn làm “vừa lòng khách đi” nhưng vì chưa được huấn luyện nên họ không biết làm thế nào để khách hài lòng giống như người Âu-Mỹ quan tâm về sự hài lòng của khách hàng qua ý niệm “Customer satisfaction is a top priority.”
Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi một người bước chân xuống khỏi giường, người đó có thể áp dụng phương cách “phục vụ” người khác bằng việc làm và lời nói để mang lại niềm vui, và hạnh phúc cho nhau, tức là cho những người thân yêu trong gia đình của mình. Đề tài “Nghê Thuật Phục Vụ Khách Hàng và Giao Tiếp Hằng Ngày” là một đề tài thiết nghĩ ai cũng nên quan tâm, tham khảo, và áp dụng vào đời sống của mình cho đến khi mình không còn khả năng giao tiếp với người khác, hoặc từ giả cuộc đời này.
Liên quan chuyện mua bán, người Mỹ rất quan tâm việc làm thế nào để khách hàng hài lòng như đã nói. Làm sao cho khách hàng hài lòng hoàn toàn khác với nịnh bợ khách hàng. Ai biết cách phục vụ khách hàng, khách hàng sẽ vui. Ai có thái độ nịnh bợ người khác, người ta sẽ cười vào mũi mình. Nói chung, dân tộc nào hay văn hóa nào cũng đều ghét hay khinh bỉ những kẻ nịnh bợ người khác.
Người Âu-Mỹ đã chính thức đưa sự quan tâm về “customer service” thành môn học và xem đó là một nghệ thuật, “The Art of Customer Service”. Các công ty lớn nhỏ tại Hoa Kỳ, nhất là các công ty lớn, những nhân viên nào có nhiệm vụ phải thường xuyên tiếp xúc khách hàng, dứt khoát nhân viên đó phải học môn này và bắt buộc phải áp dụng nó hằng ngày trong sự giao tiếp với mọi người. Nếu ai bị khách hàng than phiền nhiều hơn một lần, điều đó đồng nghĩa với việc người đó tự làm “bể nồi cơm” của chính mình.
Cung cách của một người khi giao tiếp với mọi người trong đời sống hằng ngày có “liên hệ mật thiết” với vấn đề phục vụ khách hàng và ngược lại. Một người có lối cư xử vụng về hay thiếu thân thiện với những người xung quanh, chắc chắn người đó không thể là một người có khả năng giao tiếp với khách hàng trong ngành thương mại. Nếu người đó thành công trong ngành thương mại, có thể sự thành công đó đến từ một yếu tố khác, hoặc đáng lẽ người đó phải thành công hơn thế nữa thì mới phải.
Tôi xin phép được hỏi quý độc giả rằng: Có bao giờ quý vị tỏ ra khó chịu bởi cung cách tiếp đãi khách hàng ở một nơi nào đó? Thí dụ: Quý vị không may gặp một người trong siêu thị, văn phòng, hay nhà hàng tiếp khách với gương mặt rất hắc ám, quý vị nghĩ sao? Thái độ của họ y như những tên công an VC đang chuẩn bị hỏi cung hay tra tấn những người “thấp cổ bé miệng”, quý vị có hài lòng không? Có bao giờ quý vị tỏ ra bực mình vì giống như mình vô lý bị kẻ khác xúc phạm bởi cách cư xử của người đó dành cho mình? Thí dụ: Quý vị gặp một người bản xứ hoặc người Việt Nam nào đó có gương mặt thiếu thân thiện với quý vị, và thái độ của họ đối với quý vị như thể quý vị không xứng đáng để họ nói chuyện, thử hỏi quý vị có muốn gặp hay giao thiệp với người đó không? Hỏi tức là trả lời. Chắc chắn là KHÔNG.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Những thứ mà chúng ta từng bực mình hay khó chịu đối với người khác, chính mình cũng từng phạm phải mà mình không hay biết? Đây là điều tôi luôn trình bày trong những lần tôi có dịp nói chuyện về “Nghệ Thuật Phục Vụ Khách Hàng và Giao Tiếp Hằng Ngày” đối với những nơi mà những người chủ Mỹ lẫn Việt sẵn sàng trả tiền thù lao cho tôi để nhân viên của họ nghe tôi nói. (1)
Nếu có quý độc giả nào cho rằng mình chưa từng nghe lời than phiền sau đây, tôi rất phục, bởi vì quý vị đã đạt đến mức “thượng thừa” về việc bỏ ngoài tai những tiếng thị phi của người này hay kẻ khác. Tôi nghe người ta than phiền như vầy: “Cái chùa đó, cái nhà thờ kia, cái thánh đường nọ, hay cái thánh thất ấy, họ chỉ cần tiền của mình chứ chẳng cần quan tâm đến ai. Oh yeah! Nếu có, bảo đảm, họ chỉ quan tâm đến người nào cúng nhiều tiền, dâng hiến nhiều của mà thôi.” Điều này đúng hay sai tôi không biết, nhưng tôi từng nghe đầy tai như thế. Tôi không tin là các nơi đó tệ đến thế, nhưng có lẽ do họ nghĩ nơi đây là chỗ thiêng liêng, cần gì phải “chiêu đãi khách hàng”. Nếu có ai nghĩ như thế là vì người đó quá mức thiêng liêng bình thường, hay còn gọi là “thiêng liêng quá mấu”. Chỗ nào có con người, chỗ đó có sự bất toàn, chỗ đó luôn cần phải rút tỉa kinh nghiệm để tồn tại.
Tôi có hoài bão là làm sao để tôi có thể góp phần thay đổi lề lối trong các sinh hoạt chung, và các ngành mua bán của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam. Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm những gì chúng tôi đã và đang làm để đạt hoài bão ấy và cũng để “kiếm cơm” cho gia đình mình tại link này: http://www.pbc21.com
Tôi không phải là người tài giỏi về ngành thương mại. Tôi cũng không phải là người có đủ khả năng hay “tư cách” để dạy người khác làm giàu bởi vì chính tôi không phải là người giàu có về mặt vật chất. Ngoài xã hội, lúc nào cũng có những người đáng bậc thầy thiên hạ trong các ngành nghề và người ta đã thành công lừng lẫy trên thương trường khiến người khác cần học hỏi từ họ. Tuy nhiên, tôi có học về một lãnh vực chuyên môn. Tôi có nghiên cứu, có kinh nghiệm, và có sự thích thú để bàn về lãnh vực mà người Mỹ gọi là “The Art of Customer Service” (Nghệ thuật phục vụ khách hàng). Tôi muốn mang những hiểu biết của mình để mách cho những ai muốn tìm hiểu lãnh vực này, hầu người đó có thể tự thăng tiến trong các ngành nghề. (2)
Tôi có một cá tính có thể “không giống ai” đó là khi đứng trước một điều gì đó không hoàn hảo, thay vì chỉ trích, chê bai, hay ta thán, tôi thích góp phần sửa đổi, vun bồi, làm sao cho nó khá hơn, hay khởi sắc hơn. Thật sự, tôi không hài lòng về “khâu” tiếp đãi khách hàng từ các cơ sở thương mại của người Á Đông, đặc việt là người Việt Nam, và tôi có THAM VỌNG muốn góp phần cải sửa điều đó. Dĩ nhiên, tôi chỉ có thể chia sẻ những kiến thức này cho những ai muốn học hỏi, muốn có sự thay đổi để tự thăng tiến trong lãnh vực mà mình chọn. Tôi không thể dạy những người đã hài lòng về sự thành công của mình, và họ tự thấy không cần học hỏi thêm điều gì từ người khác.
Không ít người Việt Nam từng khen người Mỹ có cử chỉ và lời nói thân thiện với khách hàng trong lãnh vực thương mại. Những người này không tiếc lời chê người Việt Nam hay người Á Đông là không có lối tiếp khách ân cần như người Mỹ. Phe ta khen người bản xứ vui vẻ và chê phe mình mua bán mà có cái “bản mặt” không vui vẻ, nhưng rất tiếc chính những người có lời lẽ khen hay chê đó không rút ra được bài học cho chính mình.
Có phải người Mỹ tốt và tử tế hơn người Việt Nam? Không! Chắc chắn là không. Người Việt Nam của mình cũng tốt và cũng tử tế với mọi người giống như người Mỹ hay những dân tộc khác. Điểm khác biệt là nhiều người Mỹ được huấn luyện về môn “chiêu đãi” nhau, nhưng người Việt mình không mấy quan tâm đến điều này. Người Mỹ không chỉ học cho biết, nhưng họ mang ra áp dụng những điều họ học vào công việc hằng ngày.
Chính dân tộc Trung Hoa là tác giả của thành ngữ: “A man without a smiling face must not open a shop”. Tạm phỏng dịch: “Một người không có gương mặt vui tươi, chớ nên mở cửa hàng mua bán.” Cách giao thiệp hay chiêu đãi khách hàng của dân tộc Trung Hoa thế nào thiết nghĩ tôi không cần bàn tới bởi ai cũng đã biết, và “tùy người đối điện”.
Người ta không thể đổ thừa cho Thiên Chúa hay Ông Trời về tánh khí của mình. Đừng bao giờ khẳng định rằng, “Trời sanh tôi như thế” bởi ai cũng có thể chọn lựa để làm nên tánh tình của mình.
Bất cứ ai muốn có tánh thân thiện phải tập tánh thân thiện. Ai muốn có tánh ân cần và chu đáo, phải tập tánh ân cần và chu đáo với mọi người. Ai muốn có lời nói mềm mại và ân hậu phải tập cách kiềm hãm miệng lưỡi để khi cần mở miệng lời nói của mình được mềm mại và có ân hậu. Ai nuốn có phong cách bặt thiệp phải tập tánh bặt thiệp. Ai muốn có gương mặt tươi cười vui vẻ, chớ nên nhăn nhó trước những thứ không đáng nhăn nhó, và phải tập tánh tươi cười vui vẻ. Ai muốn có tánh can đảm phải tìm cách rèn luyện sự can đảm. Ai muốn lời nói của mình đáng cho người khác tin tưởng, người đó nên “hà tiện” lời nói dối cho dù những lời nói dối đó được cho là “vô hại”. Ai muốn trở thành người lịch lãm phải học những điều hay lẽ phải từ người khác để trở nên lịch lãm. Ngay cả những người có những biệt tài, nếu muốn có sự khiêm nhường, phải tìm cách đè đẹp tánh kiêu ngạo của mình. Dĩ nhiên, không ai có khả năng làm vừa lòng hết mọi người trong thiên hạ.
Kết luận
Chuyện vui chơi mà người ta còn tập luyện để đạt mục đích hoàn hảo, còn cách giao tiếp trong chuyện làm ăn, mua bán, làm chính trị, sinh hoạt tôn giáo, và các giao tiếp khác hằng ngày mà lẽ nào người ta lại xem nó không quan trọng. Bao nhiêu bằng chứng cho thấy, trong sinh hoạt hằng ngày, một ánh mắt thân thiện, một lời nói thân mật, và một hành động chí tình đã giúp mọi người giải quyết bao nhiêu chuyện khó khăn và những xung đột tưởng chừng vô phương “cứu chữa”.
Nói chung, ai muốn mình có những cử chỉ và lời nói khiến người khác thích giao du với mình, người đó phải tự học tập và phải kiên trì rèn luyện. Chắc chắn một bài nói chuyện hay một đề tài thuyết trình về một lãnh vực nào đó, người ta không thể nghe xong sẽ làm được ngay, nhưng nếu người ta ghi nhận những điều đó một cách nghiêm chỉnh và thường xuyên áp dụng vào đời sống hằng ngày, ai cũng có thể đạt được những điều mình mong muốn.
Huỳnh Quốc Bình
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Ghi chú:
Bài giảng luận: 24 phút (DT) St.
Đề tài: Trí thức và tri thức
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng luận: 24 phút (DT) St.
Đề tài: Cần Nghiêm Khắc Với Chính Mình
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng luận 24 phút (DT) St.
Đề tài: Đạo và Đời!
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Huỳnh Quốc Bình
Đi chợ là thú vui của tôi từ nhỏ đến giờ, nó vui giống như tôi được đi xem xi-nê hay xem cải lương thời tôi còn niên thiếu.
***
Sau khi ra đến hải ngoại, người ta thấy hình ảnh những đàn ông Việt Nam đi chợ mua thức ăn là chuyện bình thường, nó giống như thành ngữ, “chuyện thường ngày ở huyện” mà thôi. Hồi còn ở bên quê nhà, các “đấng mày râu” mà xách giỏ đi chợ hiếm lắm. Ai ở vào lứa tuổi học sinh hay thiếu niên mà xách giỏ đi chợ, sẽ được mọi người hiểu là tụi nó đi chợ cho mẹ hay cho chị. Riêng những thanh niên chững chạc, hay đàn ông có địa vị trong xã hội mà xách giỏ ra chợ mua thức ăn, chắc chắn thế nào thiên hạ cũng sẽ nhìn họ bằng cặp mắt “thương hại” bởi vì người ta cho rằng đây là những ông đang nuôi vợ đẻ, hoặc bị vợ đì mà thôi. Chính vì thế, đối với một số người Việt Nam, đàn ông mà đi chợ trông nó “nhược” làm sao ấy.
Bản thân tôi thì khác, thật sự tôi rất thích đi chợ mua thức ăn dù không được vợ nhờ hay “bị vợ đì”. Lúc tôi chưa về hưu, hằng ngày đi làm về, nếu không bị vợ réo về nhà gấp ăn tối với nàng và các con, tôi thường tạt ngang một chợ Việt hay Mỹ nào đó cũng được, để mua vài món thức ăn mang về bỏ trong tủ lạnh dù không được vợ sai hay vợ biểu. Được đi chợ ngắm món này, nhìn món kia, đối với tôi là một thú vui giống như người ta đi vào vườn hoa ngắm các cây kiểng. Tôi nói thật, không đùa.
Đi chợ mua thức ăn cho gia đình hay cho vợ con, chắc chắn không phải là nhược hay nhục theo cách suy nghĩ của một số đàn ông Việt Nam hay Á đông nói chung. Trái lại, theo tôi, đàn ông mà biết xách giỏ đi chợ là một hình ảnh đẹp của người chồng biết thương yêu vợ con nên muốn giúp đỡ vợ con.
Nhớ hồi nhỏ lúc tôi ở tuổi mới vào Trung Học, Dì Năm, em của Má tôi nhờ tôi cầm tiền ra chợ trao cho Dì Út đang mua bán ngoài chợ. Dì Năm cũng trao thêm cho tôi số tiền nhỏ để tôi mua vài món rau cải mang về cho dì ấy nấu nồi canh chua cho Ông Bà Ngoại và cả nhà ăn tối. Tôi nhớ thời đó, khoảng năm 1968, mấy bà nội trợ nấu nồi canh chua thật đầy đủ cá tôm cho khoảng năm bảy người ăn, không quá mười đồng. Thế mà nồi canh chua lần đó mấy bà dì của tôi phải tốn hơn mấy trăm đồng. Tức là tôi đã làm bay hết số tiền mà tôi có “sứ mạng” chuyển giao từ bà dì này qua tay bà dì kia. Lần đó tôi đã bị mấy người lớn sống bằng nghề cờ gian, bạc lận cám dỗ. Tôi đã thua sạch số tiền đó trong sòng tài-xỉu ở một đầu hẻm nhỏ gần chợ. Nhờ “nồi canh chua đắc giá” lần đó mà tôi nhớ đời, tôi nhớ đến bây giờ. Đó cũng là lần tôi dặn lòng mình là không bao giờ đặt chân đến hay bén mảng đến các chỗ cờ bạc, đỏ đen cho dù chỉ để mua vui vài mươi đồng hay vài mươi phút không đáng kể.
Thời niên thiếu tôi rất mong được người lớn sai đi chợ hay cầm cái tô cái chén đến tiệm tạp hóa gần nhà mua thêm những gia vị nấu ăn. Thường thường mấy dì hay nhờ tôi mua thêm tương, đường hay hành tỏi, nước mắm, nước tương, nhưng tôi khoái nhất là được nhờ đi mua đường. Loại đường nào tôi cũng được “hưởng” trước. Nếu là đường cát, thế nào tôi cũng tấp vô trong hẻm, quay mặt vô tường, mở gói đường ra le lưởi liếm một miếng. Nếu là đường mía, tôi không ngần ngại sử dụng ngón tay không mấy sạch của mình quẹt một miếng bỏ vào miệng và nuốt vội vào bụng để cho chất ngọt mang đến cảm giác đả thèm cho một thằng nhỏ thường thiếu thốn kẹo bánh như tôi. Phải nói rằng những lần “ăn chận” chất ngọt như thế nó sướng ơi là sướng, và ngon ơi là ngon đối với thằng nhóc thiếu chất ngọt như đã nói.
Lúc lớn khôn hơn một chút, tôi thường đem chuyện “ăn chận đường” kể cho mấy thằng bạn con nhà nghèo cùng xóm nghe và cả đám cười té ngữa bởi chúng nó từng làm điều đó trước tôi. Có thằng còn nói như là một thành tích rằng: “Tao đố cha thằng con nhà giàu nào có được cái thú giống như tụi mình”. Có thằng thì lành hơn chúng tôi, tức là nó không “ăn chận” mà chỉ mong được người lớn ra lệnh cầm chén đi mua đường mía mang về nhà và phần thưởng của nó là phần đường còn dính trong chén được mẹ hay chị nó đổ nước cơm sôi vào cho nó thưởng thức.
Viết đến đây tôi bổng nhớ đến những anh bạn của tôi thời niên thiếu. Tôi thật sự ngậm ngùi vì hình dung lại trong số bạn của tôi khi trưởng thành, nhiều anh đã hy sinh trong thời chiến chống VC xâm lược. Riêng tôi, bây giờ lưu lạc xứ người, tuổi đã cao, đời sống khá đầy đủ tiện nghi, trong nhà có đủ mọi loại thức ăn, kể cả mấy hủ đường đủ loại, nhưng tôi không bao giờ dám đụng đến chúng nó cho dù tôi chưa bị tiểu đường hay có lượng đường cao trong máu.
Trở lại chuyện đi chợ để khỏi lạc đề. Nếu chỉ nói trên phương diện đời sống bình thường của một con người bình thường, không nói chuyện thiêng liêng gì ở đây; xin thú thật, ngoài chuyện mê đọc sách báo và viết bài, tôi mê nhất là đi vào các chợ để mua vài món thức ăn như thịt cá hay rau cải mang về cho vợ. Đây là thú vui của tôi từ nhỏ đến giờ, nó vui giống như tôi được đi xem xi-nê hay xem cải lương thời tôi còn niên thiếu.
Sau khi ra hải ngoại, lúc chưa lập gia đình, lúc còn đi học và đi làm, công việc đi chợ không chỉ vì sở thích của tôi, mà thực tế, nếu tôi không tự đi chợ thì ai đi cho tôi? Tôi còn ý thức câu nói của người xưa “trai khôn tìm vợ chợ Đông” nên chợ là chỗ mà tôi nghĩ rằng con trai chưa vợ thỉnh thoảng cũng nên đến đó cho biết.
Tôi không gặp Nhà Tôi trong chợ như câu thành ngữ vừa nêu. Nhà Tôi là con gái lớn nhất trong một gia đình đông con. Ngày nay tôi và các con tôi được hưởng tất cả tài nấu nướng hay sự đảm đang mà nàng có lúc nàng còn là con gái lớn trong một gia đình đông con. Thực chất, Ba Má của Nhà Tôi có chủ trương hễ là con gái, ngoài chuyện học hành cũng phải biết chuyện nội trợ nữa.
Ông nào bị hay được vợ giao cho việc đi chợ cũng đều có kinh nghiệm giống nhau. Tức là hay bị mấy bà “rầy” một cách oan uổng. Khi tôi đi đâu, trước khi về nhà tôi có thói quen hay ghé vào chợ cho dù tôi chẳng có nhu cầu mua món gì cả. Vào chợ hễ thấy thức ăn nào mà tôi cho là ngon, tôi liền mua về cho gia đình thưởng thức. Nếu mọi người không thích, nhất là Nội Tướng của tôi mà không thích, tôi bị nàng cằn nhằn, “Ba cái thứ này, ba cái đồ yêu này ngon lành gì mà anh mua cho cố”. Nếu gặp loại ngon, tôi cũng bị “la” rằng, “Sao mà hà tiện quá vậy anh Hai, đồ ngon như thế này mà sao anh mua có ít xịu vậy?”. Nói chung, mua cách nào hay đường nào tôi cũng lãnh đủ hay “từ chết đến bị thương” với vợ con.
Tôi có chút bí quyết về vụ đi chợ, xin phép được chia sẻ với “phe ta”. Quý ông phải nhớ điều này: Vào chợ muốn chọn lựa đúng thức ăn ngon mang về nhà mà không bị vợ la, là khi vào chợ đừng vội mua. Găp lúc chợ đông người càng tốt. Hãy để ý mấy bà, mấy cô, nhất là mấy bác lớn tuổi lựa thức ăn. Hễ món nào họ cầm lên bỏ xuống lần thứ nhất, đừng chú ý. Nếu quý bà chọn món thứ nhì và quý bà cầm lên lật qua lật lại ngắm nghía vài giây, định bỏ vào giỏ nhưng lại thôi và chọn món khác hay cái khác. Xin phe ta hãy lấy món đó cho vào giỏ mình ngay là chắc ăn như bắp. Không ngon, không tươi, và không tốt, không lấy tiền. Tại sao tôi dám nói chắc nịch như thế? Lý do, quý bà đã chọn món nào lần thứ nhì, phần nhiều là tốt rồi, nhưng tại vì quý bà vẫn chưa hài lòng nên muốn tìm thêm cái khác. Vì tìm hoài nên có khi quý bà vớ nhằm cái tệ hơn mà thôi.
Trước khi kết luận bài viết này tôi xin phép kể một chuyện có thật liên quan đến việc “đẩy xe” thức ăn cho vợ đi chợ.
Tôi nhớ lâu lắm rồi, chắc khoảng năm 2005 gì đó, có lần vợ chồng chúng tôi đến chợ Việt Nam vào ngày cuối tuần để mua thức ăn cho cả nhà. Xin khai thiệt: Mỗi khi vào chợ tôi thường đẩy xe thức ăn “lót tót” theo sau gót chân vợ bởi vì tôi nghĩ rằng nàng có công nấu nướng, còn mình chỉ “giỏi ăn” nên có dịp là phải tìm cách giúp vợ hay nịnh vợ một chút cho vui cửa vui nhà. Lúc tôi đẩy xe thức ăn lòng vòng trong chợ, tôi gặp một “cao niên” Việt Nam. Ông là một cựu sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông qua Mỹ theo diện H.O. Vị này tôi từng hân hạnh quen biết trong sinh hoạt cộng đồng. Nghe đâu thời còn ở trong quân đội, ông là người từng chỉ huy cả tiểu đoàn và “hét ra lửa” nhưng trông ông rất hiền hậu. Lần gặp gỡ này ông cũng đẩy xe thức ăn cho vợ đi chợ giống như tôi. Sau mấy câu chào hỏi, ông lên tiếng trước rằng:
Kết Luận
Tôi viết bài này sau khi tôi đọc được bài “Đi Chợ Cho Vợ!” của tác giả K. Nguyên chứ tôi không có ý gửi gấm một điều gì thầm kín trong bài viết của mình. Quý độc giả có thể đọc bài viết ấy tại đây: https://aihuubienhoa.com/p122a1755/10/di-cho-cho-vo-k-nguyen
Hy vọng là bài viết này của tôi và của tác giả K. Nguyên sẽ phần nào an ủi những anh nào hay ông nào cảm thấy “xấu hổ” khi phải đi chợ cho vợ. Chồng mà được vợ nhờ là còn có phước đó. Đàn ông nào mà vợ không muốn nhờ hay không dám nhờ, thành phần đàn ông đó ngoài xã hội chắc chắn mọi người phải đành phải “bó tay” với họ mà thôi.
Hồi tôi còn nhỏ, lúc học tiểu học tôi hay bị ngoại la và mấy dì rầy. Sau khi lớn hơn tức là lúc học trung học tôi được về ở chung với gia đình, tôi tiếp tục bị má và chị mắng yêu rằng: Lớn lên mầy chỉ có nước làm mọi cho vợ chứ ai nhờ cậy được gì. Bây giờ khôn hơn, già hơn, và kinh nghiệm đời hơn, quả thật, tôi đang “làm mọi” cho vợ con mà vẫn “bị rầy” như ăn cơm bữa, chứ sá gì cái chuyện “đi chợ cho vợ” như tác giả K. Nguyên đã than.
Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng luận: 24 phút (DT) St.
Đề tài: Theo Một Tôn Giáo
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng 24 phút (DT) St.
Đề tài: Tình Yêu Thương
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng 24 phút (DT) St.
Đề tài: Hễ Thánh Thì Phải Thánh
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng 23phút (DT) St.
Đề tài: Năm Mới Người Mới Việc Mới
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình
Bài giảng 26 phút (DT) St.
Đề tài: Khai Thông Đầu Năm
Giảng luận: Huỳnh Quốc Bình