Một Trí Thức Có Tri Thức

Huỳnh Quốc Bình

… Một người học cho nhiều, lấy bằng cấp cho cao, mà lúc nào cũng chỉ thích lo cho riêng cái “chậu kiểng” nhà mình, còn xã hội ra sao cũng được, hay đứa nào chết kệ tía nó… Thì xã hội cần chi những người học rộng, hiểu cao mà dốt về nhân cách hay nghèo nàn về tri thức đó?

Khoảng đầu năm 2000 tôi có tình nguyện làm thông dịch viên cho khu học chánh Linn-Benton county, để giúp thầy cô thẩm định trình độ của học sinh Việt Nam mới đến Hoa Kỳ. Trong những năm đó, tôi gặp khá nhiều tình nguyện viên của nhiều sắc dân khác nhau, nhưng nhiều nhất là người Mỹ da trắng. Có lần tôi giúp một số học sinh Việt Nam chưa rành tiếng Mỹ gặp bác sĩ để khám bệnh theo hẹn… Tôi gặp một bác sĩ người Mỹ da màu. Thú thật là nếu tôi gặp ông bác sĩ này bên ngoài, thì không thể biết ông là bác sĩ, bởi cử chỉ và lời nói hết sức khiêm nhường của ông.

Hình minh họa

Trong lúc chờ đợi sự chuyển tiếp từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, ông hỏi thăm về nghề nghiệp và sinh hoạt của tôi. Vì ông hỏi và thấy ông thân mật nên tôi hỏi lại. Được biết, trước khi trở thành một bác sĩ y khoa, gia đình ông thuộc thành phần có lợi tức thật thấp. Cha mẹ ông chỉ là những công nhân lao động bình thường chứ không có nghề nghiệp gì vững chắc. Vì gia đình ông nghèo nên anh em ông phải làm đủ mọi thứ nghề tay chân để có thêm tiền đi học. Cá nhân ông được học bổng vào trường y khoa.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm bác sĩ thường trực cho bệnh viện và cũng thường tham gia vào các phái đoàn y tế khám bệnh miễn phí cho người nghèo, hoặc hằng tuần ông tình nguyện đến một Clinic nào đó để khám bệnh và kê toa thuốc miễn phí cho những bệnh nhân không có bảo hiểm, hoặc chưa hưởng được chương trình y tế miễn phí… Lần đó tôi gặp ông khi mà mỗi tuần ông đều bỏ ra khoảng 4 tiếng để khám bệnh miễn phí cho những ai thật sự cần được giúp đỡ của bác sĩ.

Đã hơn 15 năm qua tôi không còn nhớ gương mặt của ông, nhưng tôi nhớ như in trong trí những gì ông tâm tình hay chia sẻ với tôi. Ông nói, ông không dám dạy đời ai ngoài những lời nhắc các con ông là cố gắng học, đừng mặc cảm, tự ái, mà nên có lòng tự trọng. Hãy giúp đỡ những người cần giúp đỡ giống như những người từng đóng góp công sức xây dựng xã hội một cách trực tiếp hay gián tiếp mà ông cho rằng đó là ân nhân của ông. Ông và anh em của ông được như ngày nay, mà các con ông được hưởng lây, là do tiền đóng thuế của nhiều thành phần trong xã hội trước đó. Cho nên mình cần đóng góp công sức xây dựng xã hội lành mạnh, chứ không chỉ cho riêng căn nhà của mình hay gia đình mình. Sau khi thành nhân rồi thì mình không chỉ trả lại cho xã hội những gì mình đã “vay không tiền lời”, mà còn có trách nhiệm góp phần giúp xã hội thăng tiến.

Nhắc tới ông bác sĩ da màu này tôi bổng nhớ đến lời dạy của Ba Tôi. Ông Cụ dạy anh em tôi rằng: Nếu mình có hơn người khác về điểm nào đó, thì nên tìm cách giúp người ta tiến lên chứ đừng vỗ ngực tự hào về “tài năng” của mình… Hoặc, Ông Cụ cũng lấy hình ảnh con sâu và con bướm để dạy anh chị em chúng tôi: Nếu ngày nay mình là con bướm xinh đẹp thì chớ vội quên những ngày còn là con sâu xấu xí…

Có người nói, trí thức phải vui sau cái vui của thiên hạ và buồn trước nỗi buồn của thiên hạ. Riêng tôi nghĩ rằng, người học cho nhiều, lấy bằng cấp cho cao, mà lúc nào cũng chỉ thích lo cho riêng cái “chậu kiểng” nhà mình, còn xã hội ra sao cũng được, hay đứa nào chết kệ tía nó… Thì xã hội cần chi những người học rộng, hiểu cao mà dốt về nhân cách hay nghèo nàn về tri thức đó? Nếu giới trí thức nào cũng đều nghĩ như ông bác sĩ da màu mà tôi vừa kể thì đỡ khổ cho xã hội biết bao.

Nhân tiện người viết xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết “Một giai thoại nhỏ, một bài học lớn” của tác giả Từ Thức. Đây là bài viết thật đáng cho chúng ta bỏ thì giờ để đọc. https://huynhquocbinh.net/2018/02/02/mot-giai-thoai-nho-mot-bai-hoc-lon/

Huỳnh Quốc Bình

This entry was posted in Những Chuyện Khó Nói, Tác giả Huỳnh Quốc Bình, Đời Sống Quanh Ta. Bookmark the permalink.

1 Response to Một Trí Thức Có Tri Thức

  1. Mary Phan says:

    Thân gởi ông Huynh Quốc Bình
    Bài viết của Mục Sư rất thấm thía cho nhúng người sống khiêm nhường mặc dầu họ có trí thức trong xã hội
    Chúc ông có nhiều ơn Phước Chúa ban cho ông để chúng tôi đọc được những tư tưởng sâu sắc từ nơi Ông

    Like

Leave a comment