Tôn Trọng và Tự Trọng!

Huỳnh Quốc Bình

… Là con người, ai cũng muốn được người khác tôn trọn; nhưng nếu muốn người khác tôn trọng mình, trước tiên mình phải xét chính bản thân mình, xem mình có xứng đáng được người khác tôn trọng hay không…

“Phải biết trọng mình thì người mới trọng”. Đây là điều căn bản mà thời niên thiếu ngay bậc tiểu học ai cũng phải học qua ý niệm này trong môn “Đức Dục”.

Trong xã hội, những bậc cầm quyền có đạo đức, hết lòng vì dân thì được người dân tôn trọng. Trong các tôn giáo, những người ở vị trí lãnh đạo, đương nhiên được người khác tôn trọng. Tuy nhiên, nếu những ai đánh mất lòng tự trọng, thiếu đạo đức, hoặc đạo đức giả thì lập tức sự tôn trọng mà người khác dành cho họ cũng không còn.

Xã hội Việt Nam ngày nay, quan quyền đều tranh nhau mua bằng cao học, hoặc tiến sĩ. Cấp bộ trưởng trở lên, muốn giữ chức vụ lâu dài, phải có bằng tiến sĩ. Kết quả có những anh hồi nhỏ không học, lớn lên chỉ giỏi cướp của giết người, vậy mà khi về già cũng có bằng “tiến sĩ” như ai. Những vụ tự nhiên trồi lên làm “tiến sĩ” không phải là không có tại hải ngoại. Ở đâu cũng thế, người mặc cảm thua kém thiên hạ thường “nổ” để chứng tỏ mình hơn người.

Ở Việt Nam có người ta mỉa mai rằng: “Những người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay nhiều hơn những người đạp xích lô ngoài đường phố”. Dĩ nhiên, khi nói câu này, người ta không có ý xem thường những ai sống nghề đạp xích lô, mà người ta chỉ muốn nói đến sự lạm phát bằng tiến sĩ tại Việt Nam ngày nay. Chuyện tuy cũ, đã gần mười năm, nhưng dư âm vẫn còn, đó là vụ giám đốc “sở văn hóa thể thao và du lịch” tỉnh Phú Thọ đã có học vị “tiến sĩ từ Hoa Kỳ” nhưng không nói hay viết được một câu tiếng Anh.  Báo chí tại Việt Nam do đảng VC “lãnh đạo” đã nói phét như thiệt rằng “Hà Nội sẽ có số tiến sĩ đạt kỷ lục thế giới?”

Tien Si giay

Câu chuyện “bạn học của Tổng Bí Thư Đỗ Mười” là truyện tếu mà người dân truyền miệng nhau để nói lên tình trạng dốt nát của cấp lãnh đạo trong đảng VC tại Việt Nam ngày nay. Truyện kể rằng: Có người tự xưng là bạn học của “đồng chí” Đỗ Mười, đến văn phòng “tổng bí thư” xin được gặp riêng ông ta. Sau khi thư ký riêng báo cáo chuyện này với Đỗ Mười, ông đập bàn và quát lên: “Bố láo, đồ phản động, hãy tống nó vào trại giam ngay, tôi có bao giờ đi học đâu mà có bạn học!!”.

Trong nửa thế kỷ qua, những ông bà “tiến sĩ giấy” đó đã làm nhiều điều sai trái, gây ra bao nhiên tội ác một cách triền miên. Ai chống lại, hay lên tiếng cáo trách, thì lập tức bị chúng thủ tiêu, bỏ tù, tra tấn, khủng bố nạn nhân và gia đình nạn nhân. Ngay trước Toà, nếu cần chúng cũng không ngần ngại cho những tên côn đồ lấy tay bịt miệng không cho người ta nói. Sự việc Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị bọn côn đồ bịt miệng trước toà án của VC là hình ảnh hùng hồn nhất cho những điều tôi vừa nêu.

Trong xã hội, thường thì thước đo địa vị là bằng cấp và kiến thức. Có kiến thức mà không có bằng cấp thì không sao, nhưng có bằng cấp mà thiếu kiến thức thì người ta xem thường lắm. Đối với tôi, người có học, có đạo đức, xứng đáng được tôn trọng. Chỉ có thành phần mặc cảm và có tâm địa xấu xa mới tìm cách xách mé người có học, xem thường hay hổn xược với giới trí thức. Thành phần này khi cần thỏa mãn chuyện cá nhân họ sẵn sàng “quơ tất cả vào một khối” để làm hậu thuẫn mà tấn công lại những gì trước đó chính họ cũng từng cho là đúng là chính nghĩa.

Dĩ nhiên, ngược lại người có học mà không hành, có tánh kiêu căng, phách lối, ra vẻ mình học cao, hiểu rộng nhưng lại không mang sở học để giúp đời, thấy điều sai không dám mở miệng để nói một lời khuyên hay hay viết được một lá thư hoặc bài báo để cáo trách, mà chỉ thích làm chuyện xằng bậy, hại đời… Thì đó chỉ là loại khoa bảng, chứ không phải là tri thức hay trí thức, hầu cho xã hội phải tôn trọng.

Tôi thích giao du mật thiết với giới trí thức để học hỏi và không ngại tiếp xúc giới bình dân để khi cần tôi có thể giúp họ hoặc học những kinh “nghiệm xương máu” của họ mà không một trường đại học nào có được. Dù trí thức hay bình dân mà không biết tôn trọng nhau, quen thân rồi tỏ ra lờn mặt, không còn phân biệt trên dưới, thiếu tôn trọng nhau… thì tôi sẽ lập tức “cắt đứt dây chuông” mà không hề nuối tiếc.

Vợ chồng tôi có quen biết một số người Việt Nam, tuy ít học ở trường, nếu không muốn nói là chưa từng đến trường, nhưng họ rất hiểu biết. Họ có lòng tự trọng, biết người, hiểu ta, sống tử tế, có thủy chung với bạn bè, nói năng hoà nhả, lễ độ với người trên trước. Chúng tôi thật sự tôn trọng họ hơn một số người có nhiều bằng cấp, hoặc đang ở những vị trí “thầy” hay “sư” hay “cha” của người khác mà có lối hành xử thấp kém, so với một số người bình thường trong xã hội.

Ngay trong hàng ngũ những người thích thiên hạ gọi mình là “sư”, là “thầy” hoặc “cha”, cũng không thiếu những người thiếu tư cách và kém đạo đức. Ai nói tôi chưa đủ “thiêng liêng” thì tôi xin chịu, chứ tôi không bao giờ tôn trọng những kẻ đó. Không phải tôi quá khích, nhưng Kinh Thánh cho phép tôi làm điều này: “Tôn trọng kẻ ngu muội, Giống như bỏ cục ngọc vào trong đống đá.” (Châm-Ngôn 26:8).

Những thành phần lãnh đạo bất xứng trong các tôn giáo, hoặc ngoài đời không phải là ít. Vậy mà họ thích ép buộc người khác phải tôn trọng họ mới là điều đáng mỉa mai. Người có quyền chức, địa vị cao, có khả năng tài chánh… thường được người khác kiêng nể. Tuy nhiên, không phải người giàu có nào, quyền chức nào, địa vị cao trọng nào trong xã hội, cũng đều được người khác tôn trọng như nhau.

Trong phạm vi Thiên Chúa Giáo, một người thật sự có sự sáng của Chúa sẽ không có những hành vi thấp kém. Nếu ai có những hành vi thấp kém thì cho dù họ có “tu” năm ba chục năm, hoặc được gọi là “hầu việc Chúa” nửa thế kỷ đi nữa, cũng không thể là con cái thật của Chúa. Con cái thật của Chúa, con cái của Sự Sáng không thể giao du mật thiết hay ngồi chung bàn, ăn chung mâm với con cái của ma quỷ, con cái của sự tối tăm để hại người, phá đời và có những hành xử không còn lòng tự trọng như tôi đã nói ở phần nhập đề.

Không phải do tôi quá khiêm nhường hoặc tự ti, mặc cảm gì cả, nhưng tánh tôi dù ở vị trí nào tôi cũng chỉ thích làm bạn với mọi người hơn là làm “thầy” hay “sư” hay đàn anh người ta. Nếu tôi ở vị trí đại diện người khác, vì trách nhiệm tôi cố giữ đúng vai trò của mình, nhưng không phải vì đó mà tôi ra vẻ mình là lãnh tụ, hay lãnh đạo thiên hạ. Tôi quan niệm rằng: Thà mọi người gọi tôi là ông, anh, chú, cậu hay em… gì đó, mà tôn trọng tôi, hơn gọi tôi là “thầy” hay “sư”, hoặc “cha” mà trong lòng không phục.

Ai cũng nên có lòng tự trọng, để được người khác tôn trọng. Chúng ta đừng thèm ra vẻ mình ngon, hay mình đáng được tôn trọng, vì chúng ta không thể ép người khác tôn trọng mình.

Đối với những ai bất chấp mọi thủ đoạn để ăn cắp, ăn lường ở lận, ăn trên đầu trên cổ người khác, ăn gian nói dối, ăn chận tiền quyên góp cho công tác từ thiện, sang đoạt tài sản người khác, hoặc cướp giật tài sản người khác dưới bất cứ hình thức nào, đều là những kẻ mất nhân cách, vô đạo đức, không còn tự trọng, thì đừng mong người khác tôn trọng những kẻ đó.

Lời kết: Lòng tự trọng không thể mua được và cũng không phải tự nhiên mà có. Lòng tự trọng phải được vun bồi, tích lũy nhiều năm tháng trước những thăng trầm của cuộc đời. Lòng tự trọng là hình ảnh của cây cổ thụ trước phong ba, bão táp. Lòng tự trọng là chân dung của những ai đang bơi ngược nước về một hướng đúng đắn mà mình đã chọn. Lòng tự trọng chỉ thật sự có được khi chúng ta ý thức về con người thật của mình. Lòng tự trọng cho dù ở vị trí nào, hoàn cảnh nào cũng không vì sự khiếp nhược mà làm thinh trước điều quấy hay nói ngược lại sự thật. Lòng tự trọng là biết người biết ta, biết cảm thông cho nỗi khổ của người khác, biết tôn trọng quyền lợi của người khác. Lòng tự trọng chỉ có được khi nào chúng ta ý thức rằng: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. (Phi-lip 2:3-4) như những lời khuyến cáo này của Kinh Thánh.

Tôi cầu xin Chúa cho tôi, cho mọi người có được lòng tự trọng, hơn là chờ đợi người khác tôn trọng mình khi mà mình chưa xứng đáng để được tôn trọng. A-men!

Huỳnh Quốc Bình

Email: huynhquocbinh@yahoo.com

 

 

This entry was posted in Tác giả Huỳnh Quốc Bình. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s