GIỚI THỊÊU BIÊN KHẢO LỊCH SỬ BẰNG ANH NGỮ – THE VIETNAMESE NATIONAL MILITARY ACADEMY AND THE VIETNAM WAR (1948 – 1975)

(Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Chiến Tranh Việt Nam)

CSVSQ Nguyễn Sanh, Khóa 28 TVBQGVN

Tháng 12 năm 2017, sách “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Theo Dòng Lịch sử” được xuất bản. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN), do chính các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (CSVSQ) của TVBQGVN thực hiện.

(link: “giới thiệu sách TVBQGVN – TDLS”). https://www.facebook.com/anthonyha2017/posts/2815905172002245/

Sau quyển sách trên, rất nhiều CSVSQ của TVBQGVN bày tỏ ước mong được nhìn thấy một tác phẩm viết về TVBQGVN và về Chiến Tranh Việt Nam bằng Anh Ngữ, để giúp cho các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, hiểu biết về cuộc chiến tranh Quốc-Cộng trước năm 1975. Lý do chiến đấu và hy sinh của người lính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến tranh tự vệ, chống lại sự xâm lăng tàn bạo của Cộng Sản để bảo vệ nền Dân Chủ còn non trẻ của dân tộc Việt Nam, đồng thời bảo vệ lý tưởng Tự Do cho người dân miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó là lịch sử của TVBQGVN và sứ mệnh của người sĩ quan xuất thân từ ngôi trường này trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam.

Để đáp lại niềm mong ước đó, tháng 8 năm 2018, một số CSVSQ của năm khóa (K10, K14, K24, K25 và K28) đã thành lập một ban biên soạn, với mục đích là thực hiện một biên khảo lịch sử về TVBQGVN và chiến tranh Việt Nam bằng Anh Ngữ, nhằm giúp hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam và về TVBQGVN. Đồng thời tác phẩm này sẽ cung cấp thêm một cái nhìn khác về chiến tranh Việt Nam của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những người đã từng tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh này, gởi đến cho các đối tượng sau đây:

– Các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại hải ngoại không rành Việt Ngữ;

– Các quân nhân Hoa Kỳ gốc Việt,

– Các nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là về chiến tranh Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, biên khảo lịch sử THE VIETNAMESE NATIONAL MILITARY ACADEMY AND THE VIETNAM WAR (1948 – 1975) đã được thực hiện.

Ngoài các đề mục thông thường của một tác phẩm lịch sử cần phải có, nội dung của tập biên khảo lịch sử này có các đề mục chính sau đây:

1- Lời mở đầu: Một truyền thống của TVBQGVN (Prologue: A Vietnamese National Military Academy Tradition): Xuất phát từ truyền thống ái quốc mà TVBQGVN đã truyền đạt cho các SVSQ trong thời gian thụ huấn, được thể hiện qua tên gọi của nhiều khóa, qua các ca khúc quân hành, qua các khẩu hiệu trong doanh trại, qua các vở kịch lịch sử trong ngày mãn khóa…. tất cả những dữ kiện này có cùng một mục đích là hun đúc lòng ái quốc cho người SVSQ, và nâng cao tinh thần phục vụ của người SVSQ đối với quốc gia và dân tộc.

Cũng trong đề mục này, lịch sử và địa lý Việt Nam được trình bày khái quát nhưng đầy đủ, kể từ khi lập quốc cho đến ngày hôm nay. Những thăng trầm của dân tộc Việt Nam qua từng giai đoạn: Từ thời kỳ lập quốc, Bắc Thuộc, cuộc Nam Tiến kéo dài 700 năm, Pháp Thuộc, cho đến hoàn cảnh hiện nay. Phần này được trình bày như một “toát yếu” về lịch sử và địa lý, giúp cho độc giả trong thế hệ trẻ có được những hiểu biết căn bản về đất nước và dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.

2- Phần I: TVBQGVN lịch sử hình thành và phát triển (Part I: The VNMA in the Passage of History): Dựa vào nội dung của sách TVBQGVN Theo Dòng Lịch Sử, về tiến trình hình thành và phát triển của TVBQGVN kéo dài trong 27 năm (1948-1975). Những thay đổi về trường sở, mục tiêu và đường hướng huấn luyện theo nhu cầu của quốc gia và những biến chuyển của chiến trường; những truyền thống và cơ cấu tổ chức của trường cũng được trình bày ở trong phần này.

3- Phần II: Các Khóa của TVBQGVN (Part II: The VNMA: Three Decades of Country, Honor, Duty and Traditions, 1948 – 1975): Đây là phần lược sử các khóa được lấy từ sách TVBQGVN Theo Dòng Lịch Sử. Đặc biệt những sự kiện chính trị và quân sự trong khoảng thời gian tuyển mộ, thụ huấn và mãn khóa của mỗi khóa được đề cập đến, cho thấy ảnh hưởng của chính trường và chiến trường Việt Nam đã có tác động khác nhau lên thành quả, và sự hy sinh của các sĩ quan tốt nghiệp của từng khóa.

4- Lời Bạt: TVBQGVN trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam (Epilogue: The VNMA in the context of the Vietnam War).  Phần này trình bày nhiệm vụ của các SVSQ tốt nghiệp, và đồng thời đề cập đến những hy sinh và cống hiến của các sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN trong chiến tranh Việt Nam. TVBQGVN đào tạo những sĩ quan nòng cốt cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH), vì thế lịch sử của TVBQGVN gắn liền với lịch sử của chiến tranh Việt Nam.

Cũng trong phần này, những lý do đưa đến sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam được phân tích và bình luận. Dựa trên những chứng cớ và sự kiện lịch sử đã xảy ra trên các bình diện chính trị, quân sự và địa chính trị như: Ý đồ xâm lăng miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt ngay từ khi đất nước bị chia đôi (1954), chủ thuyết Domino bị bỏ dở nửa chừng, cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đưa đến những hệ lụy: sự khủng hoảng lãnh đạo của miền Nam và quốc sách Ấp Chiến Lược bị xóa bỏ; cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng Sản Bắc Việt, sự thất bại của chiến dịch Lam Sơn 719 (1971), chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh, quan điểm bất nhất của Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam; Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Hiệp Định Paris 1973, khuynh hướng bài chiến tranh của phần lớn truyền thông Hoa Kỳ, sự thiếu vắng một chiến lược bền vững, sự yếu kém về tình báo, chiến thuật, việc trang bị vũ khí muộn màng cho QLVNCH so với đối phương…

Phần này có thể xem như một cái nhìn về chiến tranh Việt Nam của người sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN.

5- Những chữ viết tắt, từ ngữ quân sự, danh từ riêng, địa danh cần giải thích (Glossary of Abbreviations and Terms)

6- Phần phụ lục (Appendices): để giúp làm rõ hơn và phong phú hơn những đề mục chính trong nội dung của tập biên khảo, đã có thêm các phụ lục sau đây:

– Tiến trình hình thành của Quốc Gia Việt Nam (Vietnam as A Country): Căn bản về lịch sử và địa lý Việt Nam qua các thời kỳ: quốc hiệu, lãnh thổ, các trận đánh lớn bằng hình thức đối chiếu.

– Hành trình của ngôn ngữ Việt Nam (Journey of the Vietnamese Language): kể từ thời lập quốc cho đến thời cận đại.

– Vai trò của TVBQGVN trong quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (The role of the VNMA in the Republic of Vietnam), của Cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi, Cựu Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN 1968-1972.

– Đà Lạt nổi nhớ không rời (Đà Lạt, the City of Remembrance): Lịch sử của thành phố, những hình ảnh yêu quý của “Đà Lạt ngày tháng cũ” trước năm 1975, trong nỗi nhớ không rời của người sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN. Lý do của tên gọi hàm chứa niềm tin tưởng và thương mến của người dân miền Nam đối với người “Sĩ Quan Đà Lạt”.

– Bài phản biện loạt phim truyền hình “Vietnam: A television History (1983)” “PBS’ Vietnam: A Television History Series: A History or Just Another Story? – A South Vietnamese Perspective”.

– Thư mục chọn lọc (Selected bibliography in English Language RVNAF author): Liệt kê một số tác phẩm viết về Chiến Tranh Việt Nam bằng Anh Ngữ của các cựu tướng lãnh và cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

7- Niên Biểu Lịch Sử: TVBQGVN và Chiến Tranh Việt Nam qua những sự kiện lịch sử theo dòng thời gian (The Synoptic Outline of The VNMA and Việt Nam War in the Passage of History 1945-  1975): Phần này trình bày quá trình của chiến tranh Việt Nam và TVBQGVN qua việc đào tạo sĩ quan các khóa trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam ngày càng lan rộng và khốc liệt theo thứ tự thời gian (1945 – 1975). Những sự kiện chính trị, quân sự đã ảnh hưởng lên các khóa của TVBQGVN như thế nào, những thay đổi quan trọng của QLVNCH về cơ cấu tổ chức, trang bị; tiến trình rút lui của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi chiến trường Việt Nam, Hiệp Định Paris 1973 và những đạo luật, nghị quyết của Quốc Hội Hoa Kỳ liên quan tới chiến tranh Việt nam cũng được đề cập đến trong phần này.

8- Ban Biên Soạn (The Editorial Board):

– Nguyễn Cao Đàm PhD (VNMA Class 14,1960) Chief Editor

– Trần Mộng Di (VNMA Class 10, 1954)  Institutional Advisor

– Lưu Xuân Phước (VNMA Class 24, 1971) Editor

– Nguyễn Anh Dũng MRE, PE (VNMA Class 25, 1972) Editor

–  Nguyễn Sanh (VNMA Class 28, 1975) Editor

–  Huỳnh Tiến (VNMA Class 28, 1975) Editor/Publisher

9- Hình thức của tập biên khảo: Do ban Biện Soạn tự thực hiện, cuốn biên khảo được in trên khổ giấy 7’’x10”, trình bày trang nhã, dày gần 400 trang, với nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử về TVBQGVN.

Sách đã được phát hành tại Amazon vào ngày 28 tháng 12 năm 2020 với giá $15.99 một quyển. Độc giả muốn đặt mua tập biên khảo lịch sử “The Vietnamese National Military Academy and The Việt Nam War (1948 – 1975)” xin mở link này: https://amzn.to/3pE4yMF

Từ miền Tây Bắc Hoa Kỳ, ngày 30 tháng 12 năm 2020

Trân trọng giới thiệu và kính chúc một năm mới an khang, hạnh phúc.

CSVSQ Nguyễn Sanh, Khóa 28 TVBQGVN

This entry was posted in Bài vở của nhiều tác giả, Đời Sống Quanh Ta. Bookmark the permalink.

1 Response to GIỚI THỊÊU BIÊN KHẢO LỊCH SỬ BẰNG ANH NGỮ – THE VIETNAMESE NATIONAL MILITARY ACADEMY AND THE VIETNAM WAR (1948 – 1975)

  1. Pingback: Hãy Cùng Làm “Người Lính Truyền Tin!” – Báo Thế Giới Mới

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s