Huỳnh Quốc Bình
…Làm vợ mục sư là phải nết na, ý tứ, phải có đời sống thật giản dị, và thật vén khéo, chứ không thể tầm thường…
Tôi từng nghe dư luận dè bỉu một số phụ nữ làm vợ các vị mục sư hay giáo sĩ Tin Lành, về ba chữ “Bà Mục Sư”. Họ nói, “Bà ấy là vợ mục sư chứ đâu phải là mục sư mà tại sao để cho người khác gọi mình là bà mục sư?” Tôi nghĩ, họ có lý do để phê bình điều mà họ cho là “bất thường”.
Trước khi lạm bàn về ba chữ “Bà Mục Sư”, xin cho tôi được thưa rằng: không ai có thể cấm hay bắt người khác gọi mình là gì dù là cách gọi tôn trọng hay thiếu tôn trọng. Riêng chuyện người ta thắc mắc: tại sao một người phụ nữ, chỉ là vợ ông mục sư, mà được gọi là bà mục sư? Tôi hiểu, và tôi rất thông cảm cho sự thắc mắc đó.
Trong các giáo phái (denominations) của Tin Lành, có những giáo phái KHÔNG chấp nhận người nữ làm “mục sư”, có nghĩa là người nữ không được phép giảng dạy với chức vụ mục sư. Trái lại, một số giáo phái tấn phong chức vụ mục sư cho phái nữ. Cả hai phía đều lấy Kinh Thánh ra để dẫn giải và hậu thuẫn cho quyết định của mình. Bài viết này không dành để bàn về về vấn đề phái nữ có nên giữ chức mục sư hay không, nhưng để người viết nêu ra một số điểm tích cực và tiêu cực, liên quan đến những phụ nữ Việt Nam, từng được, hay bị người khác gọi là “Bà Mục Sư”.
Trong sinh hoạt xã hội, người phối ngẫu của những vị có các chức vụ như: luật sư, giáo sư, bác sĩ y khoa, nha sĩ, dược sĩ, thị trưởng thành phố, tỉnh trưởng, và tổng thống không thể nào được gọi theo danh xưng hay chức vụ của chồng, hay của vợ bởi các bà, hay các ông không phải là người được phép làm các công việc đó. Nếu có, các bà hay các ông, chỉ là người giúp chồng mình, hay vợ mình về mặt tinh thần, để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ. Riêng vợ của các mục sư và giáo sĩ hoàn toàn khác.
Như đã nói, không ai gọi vợ hay chồng của một bác sĩ y khoa là “bà bác sĩ” hay “ông bác sĩ”, bởi thực tế những người đó không có thẩm quyền chữa bệnh cho người khác. Cùng một ý niệm đó, không ai gọi vợ thị trưởng thành phố, vợ của tỉnh trưởng, hay vợ của tổng thống là “bà thị trưởng”, “bà tỉnh trưởng”, hay “bà tổng thống”. Nếu có ai gọi như thế, đó chỉ là lối gọi theo kiểu lấy lòng, hay nịnh bợ những người có chức quyền trong xã hội. Điều này cũng hết sức lố bịch nếu có ai hài lòng khi người khác gọi mình như thế.
Trong các tôn giáo, chỉ có Đạo Tin Lành mới có biệt danh “Bà Mục Sư”. Lý do, chỉ có mục sư hay giáo sĩ Tin Lành mới được phép lấy vợ, hoặc chọn ở độc thân, theo lời Kinh Thánh.
Như đã nói, vì mục sư hay giáo sĩ Tin Lành được lập gia đình một cách công khai và tự nhiên, cho nên mới có danh xưng “Bà Mục Sư”, ra đời. Ngoài ra, người viết chưa thấy một mục sư nào được mời làm mục sư quản nhiệm, hay lãnh đạo những tập hợp được gọi là Hội Thánh Chúa, mà người đó chưa có vợ. Cũng trong trong Đạo Tin Lành, khi cấp lãnh đạo tấn phong (ordain) hay chỉ định (appoint) chức vụ mục sư, hoặc giáo sĩ cho người nào đó, người phối ngẫu của người đó cũng phải cùng quỳ gối, để mọi người đặt tay cầu nguyện khi họ nhận lãnh trọng trách thiêng liêng đó. Nói một cách khác, chỉ có vợ của mục sư, hay vợ của giáo sĩ, mới có thể cùng chồng làm hầu hết những công việc của mục sư hay công việc của giáo sĩ.
Tôi được biết một mục sư Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau khi ra trường, ông cùng vợ con tình nguyện đến một vùng rất ít người Việt, và cũng không có Hội Thánh (Nhà Thờ Tin Lành) Việt Nam, để rao giảng về sự cứu rỗi của Chúa. Tôi thật sự thán phục sự dấn thân của ông mục sư, nhưng tôi thán phục “Khúc Xương Sườn” của ông gấp bội. Ông bà khởi đầu gầy dựng Hội Thánh bằng một nhóm nhỏ, gồm mấy người con của ông bà còn ở bậc tiểu học và vài gia đình tín hữu không có nơi thờ phượng Chúa. Nhóm tín hữu ấy cùng với gia đình ông mục sư không quá mười người. Ông mục sư và vợ ông bắt đầu mục vụ bằng cách tiếp xúc với những người Việt Nam trong vùng để làm chứng đạo, tức là nói về sự cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho những ai đầu phục Ngài. Có nghĩa là, những ai ý thức rằng, mình là người yếu đuối, bất toàn. Có thể theo tiêu chuẩn con người, mình là người tốt, nhưng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, mình là kẻ có tội. Nếu người đó tin rằng Chúa Cứu Thế Jesus là Con Trời, Chúa Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi, giáng trần, chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho nhân loại, trong đó có chính họ; lập tức, tội người đó được tha, linh hồn người đó được sự cứu, mà không cần phải có hoa quả hay lễ vật gì để dâng lên Thiên Chúa.
Sau thời gian bốn năm năm, kể từ ngày ông mục sư nêu trên bắt đầu thành lập Hội Thánh Chúa, số thành viên tăng trưởng đáng khích lệ, tức là có thêm nhiều người tiếp nhận Chúa. Hằng tuần họ đến thờ lạy Chúa và sinh hoạt hài hòa, vui vẻ, yêu thương những người trong Hội Thánh như một gia đình. Rất tiếc, thời gian sau đó, có người đến nhưng cũng có người đi bởi vì nơi ông mục sư chọn khởi đầu chức vụ tại một thành phố không mấy phồn thịnh về vật chất. Điều này có ảnh hưởng đến số thành viên của Hội Thánh bởi nhiều người di chuyển qua những tiểu bang ấm hơn, khí hậu ôn hòa hơn, đông người Việt hơn, và công ăn việc làm dễ tìm hơn. Cuối cùng, số thành viên trong Hội Thánh bị giảm sút trầm trọng. Ông mục sư nhìn vợ mình cực nhọc trong công việc Hội Thánh Chúa và công việc làm “kiếm cơm” để có đủ tài chánh cho chồng an tâm hầu việc Chúa mà ái ngại. Ông mục sư thấy Hội Thánh không phát triển mà trái lại số thành viên ngày càng giảm sút nên ông có ý định “bỏ chạy”. Ông bàn với bà là nên tìm thành phố khác có đông người Việt hơn. Thực tế, có một Hội Thánh ở vùng nắng ấm đang cần mục sư, họ có ý mời ông làm mục sư quản nhiệm. Ông thố lộ với bà về ý định “di tản” qua vùng đất “mầu mỡ” hơn. Ông đinh ninh trong lòng là khi ông bày tỏ ý định đó, bà sẽ đồng tình với ông, nhưng bà hỏi ông rằng:
– Nếu mình bỏ đi, ai sẽ là người chăm sóc tinh thần, ai giảng dạy Kinh Thánh cho những gia đình tín hữu còn ở lại?
Ông mục sư hỏi ngược lại bà:
– Mọi người di chuyển qua tiểu bang khác gần hết rồi, anh ở lại giảng cho ai nghe?
Bà trả lời không cần suy nghĩ:
– Em và các con sẽ nghe, các tín hữu còn ở lại sẽ nghe, và nhất là Chúa sẽ nghe anh giảng.
Nghe vợ nói quyết liệt như thế nên ông mục sư đã “tỉnh thức”. Ông tiếp tục chọn “con đường hẹp” và bỏ ý định tìm “những con đường rộng thênh thang” mà Kinh Thanh đã khuyến cáo, “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít.” (Ma-thi-ơ 7:13-14)
Trong trường hợp nêu trên, người nữ mà tôi đề cập, có xứng đáng nhận danh xưng “Bà Mục Sư” hay không? Chắc chắn là vô cùng xứng đáng. Người viết dám bảo đảm rằng, ngoài đời, ngay từ đầu, nếu là “bà bác sĩ”, “bà nha sĩ”, “bà kỹ sư”, “bà luật sư”, “bà dược sĩ”, “bà thị trưởng”, hay “bà tỉnh trưởng” sẽ bảo chồng mình, hay đòi cho bằng được chồng mình phải tìm nơi có tương lai tốt hơn cho gia đình, nơi đạt địa vị cao hơn, lương cao hơn, khí hậu ấm hơn, và nhất là dễ cho những phụ nữ chưng diện hơn chứ dại gì chọn cái nơi mà “đường hoạn lộ” hay quyền lợi vật chất của chồng mình nhỏ hẹp như thế?
Khi viết đến đây, tôi xin cúi đầu tạ ơn Chúa bởi Ngài cho tôi học được hay biết được một tấm gương hầu việc Chúa một cách trung tín của một trong nhiều phụ nữ, mà mọi người gọi là “Bà Mục Sư”. Tôi cũng tin rằng bà mục sư nêu trên đã thấm nhuần lời khuyến cáo này của Thánh Kinh, “Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2 Ti-mô-thê 4:2).
Một trường hợp khác. Vợ của một giáo sĩ Việt Nam cùng chồng khởi đầu chức vụ với một Hội Thánh chỉ có ba người, gồm ông, bà, và cô con gái mới bước vào bậc trung học. Bà cùng chồng làm việc toàn thời gian để sinh sống và làm các mục vụ. Ông bà không nhận sự trợ cấp từ giáo hội trung ương hay địa phương. Nhược điểm của bà là không dạn dĩ nói chuyện hay cầu nguyện trước công chúng, không giảng dạy Kinh Thánh cho tín hữu, giống như một số bà vợ mục sư hay giáo sĩ khác. Ưu điểm của bà là làm việc siêng năng, kín miệng, hiền hòa, và có đời sống giản dị. Bà sẵn sàng hỗ trợ chồng trong các công việc theo tinh thần của người vợ biết “tuân phục chồng” mà Kinh Thánh đã dạy trong sách Ê-phê-sô 5:22-33.
Bà chăm lo việc nhà và việc của Hội Thánh để chồng bà có thể bôn ba gầy dựng các điểm nhóm, thờ phượng Chúa. Bà chấp nhận cuộc sống “cô đơn” khi chồng xa nhà làm mục vụ và giảng về sự cứu rỗi của Chúa cho đồng hương Việt Nam tại Hoa Kỳ, kể cả ngoại quốc. Bà luôn hỗ trợ chồng làm nhiều công việc xã hội, không lương, và cũng “không tên”. Những buổi tổ chức họp mặt trong trong Hội Thánh, không ai thấy bà, và những người phụ nữ mà bà gọi là “cánh tay mặt” hay “những cánh tay đắc lực” của bà lên bàn hay lên mâm, ăn tiệc với mọi người. Nếu để ý, người ta chỉ thấy bà ở trong nhà bếp hoặc phía sau hội trường để cùng một số người khác cật lực giúp chồng bà hoàn thành tốt các mục vụ. Bà thích làm các công việc của “Bà Mục Sư” nhưng không mong chờ ai trân trọng gọi bà là “Bà Mục Sư”.
Dĩ nhiên, hai trường hợp trên chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho những bà vợ của mục sư hay giáo sĩ Việt Nam mà tôi từng biết qua. Người viết có kinh nghiệm hay có nhiều kỷ niệm với một số “Bà Mục Sư” mà mình từng xem như mẹ hay bà chị cả trong gia đình. Những hình ảnh của những bà mục sư mà tôi từng là tín hữu nơi chồng quý bà làm mục sư quản nhiệm, gồm những người đàn mà có đời sống mẫu mực, giản dị, và “cực kỳ” kín miệng. Làm sao tôi viết? Người ta kể cho quý bà nghe “những tin đồn” vô cùng hấp dẫn, dễ tin, nhưng KHÔNG có thật để người ta thử xem nhân cách và sự kín miệng của các bà thế nào? Kết quả, những tin đồn đó đã đi vào hư không, hay phải “chết từ trong trứng nước”.
Có ít nhất một bà mục sư Việt Nam, hiện cư tại vùng Bắc California, vẫn còn sống nhưng nay đã đãng trí. Tôi xem bà như mẹ, và nhiều năm trước đây, tôi thường gọi hỏi thăm và thỉnh thoảng xin bà cố vấn cho những việc tế nhị, quan trọng, bởi tôi tin rằng bà có nhiều kinh nghiệm trong đời sống và trong chức vụ của chồng. Tôi cũng tin rằng những gì tôi tiết lộ với bà, bà thường dựa vào những lời dạy căn bản của Kinh Thánh để cố vấn và sau đó không ai biết tôi đã nói gì với bà. Với tư cách hay nhân cách của những người phụ nữ như thế, chẳng lẽ người ta gọi là Bà Mục Sư quá đáng lắm hay sao?
Hình ảnh của các bà mục sư đúng nghĩa sẽ hoàn toàn ngược lại với câu nói đùa trong nhân gian “vợ biết là chợ biết”. Vai trò của người vợ mục sư phải là người kín miệng và tuân phục chồng. Bà mục sư không thể là người thích ngồi lê đôi mách. Bà mục sư không thể là người thích lấn lướt chồng. Bà mục sư phải là “bà mẹ ruột” đối với tín hữu mà chồng mình có trách nhiệm chăm sóc về phần thuộc linh, chứ không phải loại mẹ mìn trong xã hội. Bà mục sư phải là người hiền hòa, mềm mại, nhịn nhục, và nhân từ. Bà mục sư không phải là những người thuộc loại thượng đội hạ đạp, hay trọng phú khinh bần, hoặc thích “ăn miếng trả miếng” với mọi người. Bà mục sư không thể là người ham mê vật chất. Bà mục sư không thể là kẻ dối trá được che đậy bằng các mỹ từ. Bà mục sư không thể là người chỉ thích được gọi là “bà mục sư” mà không chú trọng đến nhân cách của chính mình và giữ uy tín cho chồng. Bà mục sư không thể nào là người lãnh đạo ông mục sư và những người trong Hội Thánh. Bà mục sư phải là người bền lòng cầu nguyện cho chồng, cho mọi người, và đặc biệt là phải có lòng quan tâm đến hạnh phúc của người khác, nhất là những người trong Hội Thánh trong tinh thần yêu thương thật sự. Bà mục sư phải có cùng một tâm tình với ông mục sư, chồng mình, giống như lời dạy của Kinh Thánh, “Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành. Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau. Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa. Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện. Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách” (Rô-ma 12:9-13).
Tôi có thể liên tưởng hình ảnh các bà vợ của các vị mục sư, hay giáo sĩ giống như các bà vợ lính cùng chồng đóng đồn, không có số quân, không được lãnh lương, nhưng thường phải cùng chồng hứng chịu các thứ tên đạn vô tình vụt đến một cách thật “nhẫn tâm”. Tôi rất trân trọng vai trò của các bà vợ của các vị mục sư, hay vợ giáo sĩ, cùng chồng thi hành chức vụ, hay làm những công việc “không giống ai” mà những người đàn bà ở ngoài đời không bao giờ thích.
Tôi được biết ở Việt Nam vào thập niên 60, phụ nữ nào khi chọn làm vợ mục sư, tức là người đó tự đặt mình vào vị trí giống y như một nữ tu, chứ không còn là người nữ bình thường trong xã hội. Làm vợ mục sư là phải nết na, ý tứ, phải có đời sống thật giản dị, và thật vén khéo, chứ không thể tầm thường. Bà mục sư trẻ tuổi nào “lỡ dại” muốn làm đẹp bằng cách kẽ mắt, đánh chút má hồng, hoặc thoa chút môi son cũng đã bị lên án. Không phải người ngoài đời lên án, mà người trong giáo hội lên án. Các bà không được đi làm việc ngoài đời để kiếm thêm tiền, mà phải sát cánh với chồng trong chức vụ, phải chấp nhận đồng lương rất giới hạn dành cho chức vụ mục sư.
Ngày nay “tiêu chuẩn” dành cho mục sư hay vợ của mục sư cũng có phần “dễ thở” hơn ngày xưa, nhưng cũng không thể vượt quá giới hạn dành cho vị trí mục sư, giáo sĩ và người phối ngẫu của mình, mà những điều đó được chép bàn bạc trong Kinh Thánh. Nếu có ai thấy hay có bằng chứng ông, hay bà mục sư, ông, hay bà giáo sĩ nào tham lam vật chất, nhân cách quá tệ, đó không phải là mục sư hay giáo sĩ đích thực mà tôi muốn đề cập trong bài viết này.
Viết đến đây, thiết nghĩ tôi cần nói về “bà mục sư” của tôi, mới có sự “công bằng”. Trong vai trò làm vợ, Bà Nhà Tôi luôn thể hiện đúng câu nói của người xưa, “Phu Xướng Phụ Tùy” cho dù tôi chỉ là một thanh niên trưởng thành trong một gia đình bình dân, không thể có đầu óc phong kiến. Bà là người vợ rất đáng yêu của tôi và người mẹ đáng kính của con tôi. Bà rất thích mọi người gọi bà bằng tên, hoặc “Chị B”, “Cô B” hoặc “Bà B”. Những đức tín còn lại liên quan đến bà, tôi xin phép nhường cho những ai từng quen biết với tôi nhận xét về bà sẽ chính xác hơn, và cũng để tôi cũng không bị mang tiếng là “văn mình, vợ mình”
Kết luận
Vợ chồng tôi chưa bao giờ nhận sự trợ cấp hay tiền lương khi làm mục vụ trong vai trò của một giáo sĩ. Chúng tôi rất hài lòng với những gì Chúa ban cho trong đời sống, bằng nghề chuyên môn của mình.
Tôi có thể quả quyết điều này mà không sợ sai. Ở những nơi gọi là “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam”:
Nếu không có những bà mục sư đáng kính, làm việc cực nhọc, cầu nguyện cho chức vụ của chồng, có đời sống gương mẫu, an ủi giúp đỡ những tín hữu ngã lòng, quan tâm đến những người già yếu bệnh tật, quý ông mục sư sẽ phải “chiến đấu đơn độc”.
Nếu không có quý bà mục sư yêu thương những trẻ em côi cút, nâng đỡ những người đàn bà goá bụa trong Hội Thánh, và nhất là không nản lòng khi phải tạo tài chánh cho gia đình sinh sống, hầu cho chồng mình an tâm chu toàn nhiệm vụ của một mục sư, đâu có ai dám gọi quý bà là bà mục sư.
Nếu không có quý bà mục sư thật lòng kính Chúa yêu người, sát cánh với chồng mình, ngoài một số mục sư thuộc vài giáo phái có khả năng tài chánh, được sự hỗ trợ của trung ương, hầu hết các mục sư Việt Nam còn lại từ trong nước ra đến hải ngoại, cho dù có “ba đầu, sáu tay” cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa giao, với số tiền trợ cấp “chết đói” từ những thành viên trong Hội Thánh.
Tại sao những tín hữu biết quan tâm đến đời sống tiện nghi cho mình, nhưng khi quyết định tiền trợ cấp hay cung lương cho mục sư, lại luôn giữ đúng tinh thần “tiền ra như máu chảy”? Có phải mình muốn mục sư của mình phải giữ cho được sự “thiêng liêng” bằng đời sống thiếu thốn, để cho quý bà mục sư phải “gánh cả giang san nhà chồng”?
Huỳnh Quốc Bình
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Pingback: Bà Mục Sư!- MS Hùynh Quốc Bình – Radio Tiếng Nước Tôi San Diego