Huỳnh Quốc Bình
… Có bao giờ tôi lại ngu xuẩn đến độ phao tin đồn hay luân lưu những dữ kiện thuộc loại dối trá và đê tiện để “đâm sau lưng” những ai mà mình không ưa thích hay không?…
Vào Mùa Lễ Mừng Chúa Phục Sinh, những điểm chính yếu thường được nhắc đến: Sự phản bội của Giu-đa (Judas Iscariot), môn đệ của Chúa Cứu Thế Jesus; sự chịu đựng những thương khó mà Ngài phải gánh chịu trong thân xác con người; các môn đồ của Ngài bỏ chạy, và Đức Chúa Cha đã quay lưng với tội lỗi mà Chúa Cứu Thế Jesus đã gánh thay cho con người. Ngài bị giết chết trên cây thập tự, được đem chôn trong một hang đá, Ngài đã sống lại rồi hiện ra cho các môn đồ thấy và sau đó đã thăng thiên.
Hằng năm tại các nhà thờ, thánh đường, và qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được nghe nhiều bài giảng, hoặc bài viết với những lời bình phẩm, lên án Giu-đa một cách gắt gao, hùng hồn. Mọi người lên án Giu-đa bởi ông đã bán thầy của mình chỉ vì ba mươi nén bạc, Giu-đa đã chỉ điểm cho binh lính La-mã bắt thầy của mình bằng cái hôn giả dối, nhưng sau đó Giu-đa đã ăn năn, ném bạc trả lại, và đi thắc cổ tự tử. Hành động tự tử không phải là giải pháp để Giu-đa đền sạch tội phản thầy, nhưng theo tiêu chuẩn của con người bình thường, Giu-đa vẫn còn khá hơn nhiều người lắm. Đó là những kẻ giỏi đóng kịch trong vỏ bọc “đạo đức” mà Chúa Cứu Thế Jesus từng lên án là thành phần đạo đức giả của xứ Do Thái ngày xưa cũng như ngày nay. Ngài cho rằng thành phần này không muốn vào thiên đàng, nhưng ai vào, họ lại ngăn trở, “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta; các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở” (Ma-thi-ơ 23:13).
Nếu tôi nhận mình là con dân Chúa hay “con cái của sự sáng”, có bao giờ tôi tự hỏi: Ngày xưa Giu-đa phản Chúa, còn ngày nay bản thân tôi thì sao? Ngày xưa, Giu-đa chỉ điểm để binh lính La-mã bắt thầy của ông bằng cái hôn giả dối, còn tôi ngày nay có hãm hại anh em mình bằng những lời đạo đức ngoài môi hay không? Giu-đa phản Chúa chỉ vì ba mươi nén bạc; tôi có phản Chúa vì say mê chạy theo vật chất hoặc quyền lực của đời này hay không? Có bao giờ tôi vô cớ biến lòng ganh tị của chính tôi thành sự thù ghét những ai cùng chung dòng huyết báu cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Jesus với tôi, chỉ vì họ trội hơn tôi hay có những suy nghĩ, và việc làm không giống tôi? Có bao giờ tôi lại ngu xuẩn đến độ phao tin đồn hay luân lưu những dữ kiện thuộc loại dối trá và đê tiện mà kẻ gian muốn hãm hại anh em mình, để tôi “đâm sau lưng” những ai mà mình không ưa thích hay không? Có bao giờ tôi tự cho rằng mình thông thái và đạo đức hơn mọi người và nhìn người ta bằng “nửa con mắt”, nhưng miệng tôi lại luôn nói hay giảng dạy về sự khiêm nhường? Có bao giờ tôi chọn thoả hiệp hoặc a tòng với những kẻ vô thần, con cái của ma quỷ để triệt hạ anh chị em mình chỉ vì sự khiếp nhược của chính tôi, mà sự khiếp nhược đó được che đậy bằng vỏ bọc “thiêng liêng” và “đạo đức” nửa vời hay không? (Tôi có thể nêu thêm nhiều thắc mắc cho chính tôi, nhưng tôi xin phép ngưng để bài viết không quá dài)
Đọc Kinh Thánh, chúng ta đã thấy sau khi Giu-đa phạm tội cùng Chúa, ông ta đã ăn năn, ném bạc trả lại, sau khi nhận ra, “Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội…” Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có dám từ bỏ những gì không thuộc về mình hay không? Chúng ta có ăn năn, sám hối, và tự xử khi nhận ra tội lỗi của mình, hay tìm cách che đậy? Chúng ta dám cho rằng mình xứng đáng, đủ lương thiện, và đạo đức để lên án Giu-đa phản Chúa hay không?
Cách đây gần 20 năm, tôi hân hạnh tham dự ba ngày Hội Nghị Mạng Lưới Các Mục Sư Tin Lành Toàn Thế Giới (Global Pastors Network) được tổ chức tại Floria từ ngày 21 đến ngày 23-1-2004. Dịp này, tôi được xem trọn phim, The Passion of The Christ trước khi được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng. Tôi xin tạm dịch tựa đề phim này là, “Sự Chịu Đựng Đau Thương Của Đấng Christ”. Trước khi xem phim, mọi người phải ký giấy cam kết với đạo diễn Mel Gibson là không được quay phim, không chụp hình và không kể lại những tình tiết trong phim cho đến khi phim được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng. Theo dõi diễn tiến của các đoạn phim, người xem chứng kiến hình ảnh nhân vật chính mang tên Jesus đã bị binh lính La-mã tra tấn một cách vô cùng dã man trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Nhìn thấy hình ảnh man rợ của những kẻ có quyền và sự chịu đựng đau đớn của người mang tên Jesus, cuốn phim đã làm cho hầu hết trên dưới năm ngàn người trong hội trường phải bật khóc; trong số những người bật khó đó, có cá nhân tôi. Theo lời kể của đạo diễn Mel Gibson, nhiều người đóng các vai trong phim, đã tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của họ sau khi bộ phim được hoàn tất.
Nếu ai từng đọc các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh, họ đã biết rõ nhục hình mà Chúa Cứu Thế Jesus phải gánh chịu. Riêng tôi, một hình ảnh tuy nhỏ trong phim “The Passion of The Christ”, nhưng tôi vẫn không quên, đó là: Trong lúc binh lính La-mã giải Ngài lên đồi Gô-gô-tha để đóng đinh Ngài. Vì trước đó, Ngài bị tra tấn một cách quá tàn độc nên không còn sức vác nổi thập tự giá, cho nên bọn lính La-mã đã bắt một người thanh niên trong đoàn dân vác hộ cho Ngài. Dù người này không phải là môn đệ của Ngài, dù người này có thể không quan tâm gì về nhân vật Jesus, nhưng đứng trước hành động tàn ác của những kẻ sử dụng bạo lực với người cô thế nên anh ấy đã dõng dạc nói, “Nếu các ông tiếp tục hành hạ người này, tôi sẽ không vác thập tự giá nữa, dù là bước thêm một bước, và tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì các ông dành cho tôi.” Kết quả, bọn lính La-mã đã tạm ngưng đánh đập Chúa Cứu Thế Jesus. Tôi chú ý điểm này trong phim là vì tôi liên tưởng đến cảnh những người vô tội và đang bị bọn độc tài gian ác đàn áp. Thiết nghĩ, hình ảnh về sự phản ứng của người thanh niên vừa nêu là phản ứng cần có của những người lương thiện tại các nước độc tài. Làm được việc này không phải là làm chính trị nhưng là nghĩa vụ của một con người có lòng nhân đạo và có tình yêu thương đích thực.
Trở lại với Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng trước khi Chúa Cứu Thế Jesus bị bắt đi, trong cơn sầu não Ngài đã cầu xin với Đức Chúa Cha rằng, “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi con! Song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39).
Trong thân xác của con người trần gian, Chúa Cứu Thế Jesus chịu tra tấn vô cùng dã man. Ngài không chỉ đau đớn về thể xác nhưng cũng cô đơn về tinh thần vì các môn đồ bỏ chạy và Đức Chúa Trời đã quay lưng bởi bao nhiêu tội lỗi của nhân loại đổ lên Ngài. Trong cơn đau đớn tột cùng, Chúa Cứu Thế Jesus đã kêu lên rằng, “Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi.”
Sau khi bị đóng đinh, Chúa Cứu Thế Jesus được đem chôn trong một hang đá. Đến ngày thứ ba, Chúa sống lại. Các Thầy Tế Lễ đã dùng tiền mua chuộc lính canh để phao tin đồn rằng xác Chúa Cứu Thế Jesus đã được các môn đệ lấy trộm và mang đi. Sau đó Chúa Cứu Thế Jesus đã hiện ra; tuy nhiên, cũng có những môn đệ nghi ngờ. Thô-ma, một môn đệ của Ngài, đã xem xét dấu đinh trên hai bàn tay của Ngài nên đã tin là thầy mình đã chết thật và nay đã sống lại. Do đó, Chúa Cứu Thế Jesus đã phán, “Vì ngươi đã thấy ta nên ngươi tin. Phước cho những ai chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:29).
Kinh Thánh cho biết, ai tiếp nhận Chúa Cứu Chúa Jesus làm cứu Chúa, linh hồn người đó được tồn tại đời đời trên thiên quốc. Theo người viết, tin nhận Chúa, không có nghĩa là chỉ theo một tôn giáo hay phải đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật hay giữ một số lễ nghi do con người đặt ra, nhưng để nhận được sự bình an thật mà nhân loại không thể ban cho nhau. Việc đến nhà thờ hay thánh đường là kết quả của niềm vui sướng và hạnh phúc sau khi con người mời Chúa ngự vào lòng, chứ không phải do sự gượng ép hay bị ai ép buộc, hoặc để tạo công đức cho đời này.
Tôi nhận thấy có một số điều mà chúng ta cần suy gẫm trong Mùa Phục Sinh, hay trước và sau mùa này. Nếu chúng ta là người đã biết về ơn cứu rỗi của Chúa, ngày nay đọc lại hay nghe lại những chi tiết Giu-đa phản Chúa, phản ứng của chúng ta thế nào? Thiết nghĩ, thay vì lên án sự phản bội của Giu-đa, chúng ta nên tự xét lòng mình và tự hỏi chính mình rằng: Chúa Cứu Thế Jesus bị giết chết vì Giu-đa, hay người Do Thái? Vì sao Chúa Jesus phải chịu đau đớn và chết trong nhục nhã? Tại sao Đức Chúa Trời quay lưng với Con Một của Ngài? Nếu Thiên Chúa can thiệp, ai có khả năng giết được Con Trời? Tại sao bị hành hạ một cách tàn nhẫn mà người mang tên Jesus vẫn cầu xin với Đức Chúa Cha rằng, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Còn chúng ta là những người tội lỗi, có những tội đã bị người khác biết, có những tội chưa ai hay, hoặc chính chúng ta biết rõ bản chất tội lỗi và sự bất toàn của mình, chúng ta có chịu tha thứ cho những ai có tội mà biết ăn năn hay không?
Kết luận
Nếu Đức Chúa Trời không muốn, Giu-đa không thể gián tiếp hay trực tiếp giết Chúa bằng cách nộp Chúa cho kẻ gian. Người Do Thái không giết được Chúa vì Ngài là Con Trời, là Thiên Chúa Ngôi Hai. Chính Đức Chúa Trời đã để Chúa Cứu Thế Jesus, Con Một của Ngài, bị giết chết vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi của mình và xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta biết sống khiêm nhường. Xin Chúa cho chúng ta biết ăn năn thay vì lên mình kiêu ngạo bởi nghĩ rằng mình mới là người đạo đức hơn người khác, nhưng thực chất chúng ta chỉ là những kẻ mà Kinh Thánh gọi là giả hình.
Nhân Mùa Lễ Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta cùng kỷ niệm sự thương khó mà Chúa Cứu Thế Jesus đã từng gánh chịu và cùng vui mừng về sự sống lại của Ngài. Chúng ta đừng hùng hồn lên án Giu-đa, mà hãy lên án chính mình. Chúng ta cần ý thức rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã chết vì mình, để rồi mình cũng phải hết lòng góp phần rao giảng sự cứu rỗi của Chúa đến người khác, theo lời dạy mà Ngài đã phán cùng các môn đệ trước khi Ngài thăng thiên, “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con, và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mat. 28:19-20). A-men!
Huỳnh Quốc Bình
Ngày 14 Tháng Tư, năm 2022
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com