Huỳnh Quốc Bình
… Nghe đến hai chữ xoá nợ, có lẽ quý bạn đọc sẽ phì cười vì yếu tố phi lý của nó, nhưng đây là những điều “khó tin nhưng có thật”…

Bài viết “Xoá Nợ Thẻ Tín Dụng” nhằm mục đích mách cho những ai vì hoàn cảnh không còn khả năng trả nợ thẻ tín dụng biết cách “Làm lại cuộc đời”. Xin đừng ai vì nghe nói “Xoá nợ” được, rồi mang hết thẻ tín dụng ra “cà xã láng” để sau đó tìm cách xoá nợ, là điều không phài và cũng không nên làm. Nếu có ai cố làm như thế chắc chắn cũng không phải xoá dễ dàng với cái hồ sơ gây nợ nhanh chóng như thế. Riêng vấn đề giảm nợ là một chuyện khác và người ta thấy quảng cáo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông Mỹ-Việt.
Nhắc đến vấn đề giảm nợ, cũng nên nói đến vấn đề khai phá sản (file bankruptcy) trước khi nói đến chuyện xoá nợ.
Có Hai Loại Nợ
Nợ có thế chấp (secured debt) và nợ không có thế chấp (un-secured debt). Nợ thế chấp giống như hồi còn ở quê nhà, khi cần tiền người ta mang nữ trang, đồng hồ đến tiệm cầm đồ, thế chân mượn tiền rồi sau đó lần lượt trả góp với tiền lời theo kiểu “cắt cổ”. Tại Hoa Kỳ, khi cần tiền người ta có thể mang nhà hay xe để thế chân mượn tiền ngân hàng. Nợ không thế chấp là loại nợ mà những người có “uy tín” thiếu nợ. Họ được các ngân hàng cấp cho những cái thẻ nhựa được mang tên Visa, Master Card v.v… Chủ của các thẻ này có thể mượn tiền từ ngân hàng, hoặc mua sắm trước rồi trả sau, với phần tiền lời cao thấp tuỳ theo “uy tín” của từng người, từng loại thẻ và từng trường hợp. Ai thiếu nợ nhiều, trả tiền lời tử tế, ngân hàng thay nhau gửi thẻ về mời. Khi mất việc làm, hay làm ăn thất bại không còn khả năng trả nợ, lập tức thẻ không còn sử dụng được. Loại nợ không thế chấp này khi không còn khả năng trả nợ, chủ nợ không thể đụng đến tài sản của con nợ, ngoại trừ chủ nợ kiện thắng con nợ ngoài toà án. Nếu con nợ bị phán quyết (Judgment) từ tòa án nên phải lần lượt trả nợ tuỳ theo lợi tức của mình. Vấn đề này rất dài dòng, nó không phải là mục tiêu người viết muốn bàn đến trong bài này.
Khai Phá Sản
Người thiếu nợ ngân hàng nhưng không còn khả năng trả, họ công khai nhờ văn phòng luật sư hay những văn phòng chuyên môn giúp mình khai khánh tận tài sản. Khi điều này xảy ra, chủ nợ được lệnh toà án phán quyết phải huỷ bỏ số nợ cho con nợ có cơ hội làm lại từ đầu. Sau khi được toà án phán quyết, chủ nợ nào còn tiếp tục làm phiền con nợ sẽ xem như vi phạm luật pháp. Dĩ nhiên, người khai phá sản không phải chỉ mất uy tín 10 hay 15 năm, nhưng mà “dấu tích” thiếu nợ đến phải khai khánh tận sẽ theo đuổi người đó suốt đời.

Giảm Nợ
Có nhiều văn phòng quảng cáo về dịch vụ lo thủ tục giảm nợ cho những ai sử dụng thẻ tín dụng và thiếu nợ ngân hàng, nhưng vì hoàn cảnh không còn khả năng trả nợ. Thực chất, không cần phải có văn phòng chuyên môn lo thủ tục xin giảm nợ, nợ sẽ được giảm, mà con nợ chỉ cần “dửng dưng” trước những thư đòi nợ của ngân hàng một thời gian, lập tức ngân hàng sẽ phải điều đình với con nợ bằng cách đề nghị giảm 30%, hoặc 50%. Có truờng hợp ngân hàng “năn nỉ” con nợ để giảm số nợ gần đến 60-70%. Nếu con nợ nào “lạnh cẳng” hoặc “cảm động” mà hứa hẹn trả nợ, ngân hàng có dịp “dzớt cú chót” được một ít từ con nợ. Dĩ nhiên, trường hợp này cũng giống như khai phá sản, tức là phải mất uy tín. Cho dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, khi thiếu nợ mà không có khả năng trả nợ, mất uy tín là chuyện đương nhiên không cần lý giải.
Đọc đến đây hẵn quý độc giả đã thấy rõ là chuyện có uy tín, thiếu uy tín, hoặc mất uy tín như chuyện trở bàn tay. Thiếu nợ có tiền trả đúng hẹn, uy tín tăng cao. Trả nợ không đúng hẹn, uy tín giảm xuống. Không còn khả năng trả nợ, mất uy tín là cái chắc, cho dù chuyện nợ nần giữa cá nhân với nhau hay với các ngân hàng.
Xoá Nợ Cho Người Khác
Thường tình, chỉ có ông bà và cha mẹ mới xoá nợ cho con cháu vì tình thương, chứ anh em với nhau cũng chưa chắc. Ngày nay, chuyện xoá nợ là chuyện có thật nhưng thường xảy ra giữa các quốc gia từng giao thương với nhau. Dù vậy, việc xoá nợ luôn dính dấp đến yếu tố chính trị. Vì tính liên lập, vì sự hỗ tương giữa các quốc gia để bảo vệ quyền lợi, người ta thấy quốc gia giàu mạnh đã phải xoá nợ cho những quốc gia nghèo. Vì nếu không xoá, cũng không thể làm gì khác hơn hay làm gì nhau.
Người viết xin thử nêu ra một trường hợp vay mượn và quý độc giả tự suy nghĩ cho vui. Thí dụ: Ông A thiếu ông B một vài ngàn Mỹ kim, ông A là con nợ, ông B là chủ nợ. Ông A thiếu ông B vài chục ngàn Mỹ kim, ông B vẫn là chủ nợ của ông A, và cũng có thể ông A rất kiêng nể ông B. Thế nhưng, ông B để ông A thiếu mình số nợ lên đến vài trăm ngàn, hay vài triệu Mỹ kim thì khác à. Tôi dám nói mà không sợ sai: Đến non nước này chưa chắc ai ngán ai? Ai là chủ nợ, ai là con nợ? Cuộc đời là vậy, những nghịch lý, cay đắng, phũ phàng, và ê chề thường đến với mọi người chứ không chỉ riêng ai.
Xoá Nợ Thẻ Tín Dụng Với Ngân Hàng
Nghe đến hai chữ xoá nợ, có lẽ quý bạn đọc sẽ phì cười vì yếu tố phi lý của nó, nhưng đây là những điều “khó tin nhưng có thật”. Khó tin là vì thiếu tiền ngân hàng, làm sao mà xoá? Thiếu nợ người ta mà đòi xoá là nghĩa làm sao? Cái mấu chốt của vấn đề xoá nợ nó có những cái lắc léo sau đây:
Khi ngân hàng cứu xét cho người nào đó được làm chủ những thẻ tín dụng (credit card), người đó toàn quyền mua sắm thoả thích. Hằng tháng, người đó có thể trả tối thiểu (minimum) theo mức định và tiền lời cho ngân hàng. Có ngân hàng “chơi bảnh”, ai sử dụng nhiều sẽ được thưởng nhiều (rewards). Để bảo đảm tình trạng thất thoát khi thân chủ của ngân hàng không có khả năng trả nợ nên ngân hàng phải mua bảo hiểm cho số tiền ấn định mức tối đa (maximum) từ một hãng bảo hiểm nào đó.
Khi người sử dụng thẻ tín dụng không còn khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ gửi thư đòi. Đòi năm bảy lần bằng cách gửi thư hoặc gọi điện thoại để nhắc. Kết quả “ê chề” khi con nợ “chơi tình lờ” không thèm trả nên ngân hàng phải “xuống nước” điều đình. Ngân hàng dư sức biết rằng, người ta chỉ có thể nắm đầu “người có tóc” chứ không ai có thể nắm tóc “kẻ trọc đầu”. Lúc này chính là lúc ngân hàng sẽ lên tiếng mở đường cho con nợ “thoát hiểm” bằng cách giảm số nợ xuống 30%, hoặc 50%, có khi đến 60-70% như đã nói. Sở dĩ ngân hàng phải “xuống nước” đến cở đó là vì họ sẽ nhận được sự bồi thường của hãng bảo hiểm. Họ biết chắc là hãng bảo hiểm sẽ phải trả cho họ sau khi họ đòi được phần nào hay phần đó theo chỉ thị của hãng bảo hiểm.

Nếu gặp con nợ thuộc loại “lì đòn”, ngân hàng sẽ bán cái nợ này cho mấy ông bà đòi nợ mướn (Debt Collectors) với giá rất “bèo” theo kiểu “tàu bể lượm đinh”. Lúc này những tay đòi nợ mướn sẽ rất “hung hăng con bọ xít”. Ngoài chuyện gởi thư đòi nợ, họ cũng gọi điện thoại liên tục để khủng bố tinh thần con nợ. Có những tay đòi nợ mướn còn hăm kiện con nợ ra toà. Nếu con nợ yếu bóng vía nên xin thương lượng, thì đó là lúc con nợ bắt đầu “trúng tên” của mấy tên xác thủ.
Đừng bao giờ nhẹ dạ mà ký vào bất cứ giấy tờ do những công ty đòi nợ mướn cung cấp. Đừng bao giờ hứa trả tiền cho những cá nhân hay công ty đòi nợ mướn cho dù là hứa trả một xu mỗi tháng. Nên nhớ, khi người mắc nợ ký tên, tức là mình đã tình nguyện cung cấp thêm dữ kiện cá nhân của mình cho họ. Đừng quên, những kẻ đòi nợ mướn chỉ có khả năng hù dọa chứ không có tư cách làm phiền người mắc nợ.
Nếu con nợ có người cố vấn, biết rõ luật lệ nên “mách nước”, con nợ có thể bắt đầu tung chiêu để phản công bằng cách “dõng dạc” ra lệnh cho mấy tay đòi nợ mướn phải chấm dứt việc làm phiền họ, nếu không họ sẽ kiện và kẻ đòi nợ mướn phải vác chiếu ra toà, đừng trách. Quý bạn đọc chỉ cần vào Google, đánh hàng chữ này, “debt collector harassment lawsuit”, tha hồ mà đọc các tài liệu về vụ này. Thực tế, đã có những công ty đòi nợ mướn đã bị con nợ kiện ra tòa vì tội quấy nhiễu họ (Debt Collector Harassment).

Nếu có kẻ chuyên sống bằng nghề đòi nợ mướn, chắc chắn cũng có những dịch vụ chuyên giúp thân chủ của họ ngăn chận bọn này (Stop Collection Abuse). Mà cũng dễ hiểu thôi bởi vì con nợ thiếu tiền chủ nợ, cho nên chỉ có chủ nợ mới có quyền đòi hay có đủ tư cách nói chuyện với con nợ. Nếu muốn đòi nợ mướn hợp lệ và hợp pháp phải có giấy uỷ quyền. Mà làm sao họ có giấy uỷ quyền, bởi “Bố bảo”, các ngân hàng cũng không dám uỷ thác hay uỷ quyền bằng giấy trắng mực đen cho mấy tay đòi nợ mướn. Trên thực tế, ngân hàng đã được hãng bảo hiểm bồi thường. Hồ sơ không còn ai thiếu nợ mình, làm sao uỷ quyền cho ai? Cái lắc léo nó nằm ngay chỗ này.
Nếu con nợ muốn xổng lưng phản công “đối phương”, dứt khoát phải có “võ công” và phải biết rõ chỗ nhược của đối thủ. Muốn có võ, phải học. Muốn học, phải có thầy. Muốn có thầy, phải đi tìm. Tìm ở đâu? Xin thưa là ở mấy vị rành rẽ về luật tố tụng xoá nợ (Consumer Law Of Debt Elimination). Những văn phòng lo về vụ này sẽ cố vấn cho thân chủ biết cách đối phó với những tay đòi nợ mướn và ngăn chận những cú điện thoại làm phiền thân chủ họ (How to deal with debt collectors and stop harassing calls).
Nên nhớ, mình đã khổ vì thiếu nợ, cho nên đừng để ai khác làm mình mắc thêm một mối nợ khác. Ở Mỹ những ai cố tình không cung cấp tiền trợ cấp cho con cái (Child support ), hay không trả nợ thuế sau khi tòa án phán quyết mới bị ngồi tù, chứ không ai bị bỏ tù chỉ vì không trả nợ cho mấy kẻ đòi nợ mướn.
Có nhiều người được cố vấn để đối phó với mấy văn phòng đòi nợ mướn, hoặc xoá sạch số nợ họ có thiếu ngân hàng. Thực chất, các ngân hàng đã được hãng bảo hiểm bồi thường rồi. Do đó, nếu dược bồi thường rồi mà còn đòi nợ người khác, tình không ngay mà lý cũng gian. Con nợ thoát được là ngay kẽ hở này chứ không có gì cao siêu hay khó hiểu.

Kết luận
Khai phá sản hoặc giảm nợ chắc chắn phải bị mất điểm tín dụng, tức là mất uy tín với nhà băng (bad credit). Xoá nợ đúng cách và sau khi đạt kết quả, không mất uy tín, hoặc điểm tín dụng chỉ bị thấp thôi, bởi trên nguyên tắc, ngân hàng đã được bồi thường. Ba công ty Credit Bureau Equifax, Experian, và TransUnion không hề biết điểm là gì. Các công ty này chỉ chuyên thu thập dữ liệu, thu thập điểm, những giao dịch của mọi người để cho biết cái xấu, điểm tốt của thiên hạ mà thôi. Riêng các ngân hàng, vì họ không còn bằng chứng người ta thiếu nợ mình nên không thể nói đến điểm cao hay điểm thấp của người ta. Đó là chưa kể, nếu con nợ thừa thắng xông lên quay lại kiện ngân hàng, và cho dù ngân hàng có nhiều cố vấn, có nhiều luật sư đi nữa, họ cũng trở thành miếng mồi ngon cho những tay “sát thủ” có cơ hội nhảy vào vòng chiến mà gây sự để kiếm “chút cháo”. Các ngân hàng biết rõ mình là loại chén kiểu, còn các con nợ là chén đá, hay gáo dừa. Khi va chạm nhau, đứa nào “banh xác” trước thì biết? Đó là lý do các ngân hàng không ngu gì đi đụng với con nợ khi mà quyền lợi của họ không hề bị mất, hoặc sự thất thoát đã được đền bù một cách thoả đáng.
Tuy nhiên, để khỏi phải bị phiền toái sau này, người viết đề nghị quý độc giả nên mang thẻ tín dụng ra cắt làm đôi và ném hết nào thùng rác là xong. Mang nó trong người khác nào mang cục nợ đời. Hãy vẫy tay chào nó một lần cho đời không phải khổ sau này.
Huỳnh Quốc Bình
Ngày 17 Tháng Mười Một, năm 2022
Email: huynhquocbinh@yahoo.com
Ghi chú:

- Bài này được viết năm 2012 và đã được đăng tải trên Phương Đông News tại Oregon để lạm bàn về những quảng cáo “Xóa Nợ Xấu Thẻ Tín Dụng” trên bác cơ quan truyền thông Mỹ và Việt. Gần đây có người nhắc đến chuyện “xin giảm nợ” hay “xóa nợ” nên tôi xin bổ túc vài điểm cho rõ hơn, hầu giúp những ai chẳng may lâm vấp nợ nần từ thẻ tín dụng biết đường mà đối phó cho hợp tình, hợp lý, và hợp pháp. Xin chúc mọi người may mắn.
2. Riêng quý bạn đọc tại Hoa Kỳ: Ai bị mất việc làm hay muốn đổi nghề, muốn làm một công việc nhàn hạ và chuyên nghiệp do những người thành công hướng dẫn, người đó có thể tham khảo tại http://www.pbc21.com hoặc liên lạc với văn phòng Progressive Business Center, số phone (503) 568-8164, Email: pbc21info@gmail.com để được hướng dẫn tận tình.
Pingback: Xóa Nợ Thẻ Tín Dụng- Huỳnh Quốc Bình – Radio Tiếng Nước Tôi San Diego