Thái Ðộ Tạ Ơn!

Huỳnh Quốc Bình

LTG: Hằng năm, sau lễ Tạ Ơn thì lại đến lễ “Giáng Sinh”. Đây là hai ngày lễ rất quan trọng đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa, bởi nhân ngày này mọi người có dịp bày tỏ sự tạ ơn và mừng vui khi nhắc đến danh Ngài. Đây cũng là thời điểm biết bao người tốn hao tài chánh cho việc mua sắm vật dụng và chưng diện theo thói quen hằng năm.

Có không ít người trong chúng ta cũng nhân thời điểm này tổ chức những bữa tiệc linh đình để “tạ ơn Chúa” hay “nhớ ơn Người”nhưng thực chất thì tinh thần biết ơn không mấy đúng nghĩa. Cũng có thể trong thời điểm chúng ta đang ăn uống no say thì ông bà, cha mẹ của của chúng ta đang ở một xó nào đó mà chúng ta không còn nhớ tới, hay họ đang nằm liệt giường trong bệnh viện, hoặc đang ngồi gục gặc, ngoẻo đầu trên chiếc xe lăn trong các việc dưỡng lão mà con cháu vì bận tố chức “tạ ơn Trời” hay “cảm ơn Người” nên không còn thì giờ để ghé tạt vào thăm. Hoặc những người mà chúng ta từng thọ ơn họ một cách trực tiếp hay gián tiếp đã không còn trong trí nhớ của chúng ta, chỉ vì chúng ta đang bận tổ chức những buổi “tạ ơn Trời” hay “nhớ ơn người”.

Có người cho rằng thời bây giờ những ngày lễ thiêng liêng này đã bị thương mại hóa. Theo tôi, nhận xét này cũng không phải là quá đáng. (HQB)

Hằng năm, người dân Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại đều tổ chức “Lễ Tạ Ơn” thật to lớn và tốn kém. Một cách tổng quát, nguồn gốc của “Lễ Tạ Ơn” là do những người đến từ Anh quốc tổ chức lần đầu kể từ năm 1621 để tạ ơn Thượng Ðế khi họ đặt chân lên đất Hoa Kỳ, sau khi vượt qua mùa đông gian khổ và đói lạnh. Ða số người Việt Nam chúng ta chỉ trực tiếp tham dự vào ngày lễ nàykể từ ngày mọi người rời quê hương yêu dấu để tỵ nạn cộng sản tại Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Ðã có nhiều bài viết đề cập một cách chi tiết về ngày Lễ Tạ Ơn mà tiếng Anh gọi là “Thanksgiving”. Chẳng hạng hằng năm có mấy triệu con gà Tây bị giết, mấy trăm ngàn tấn khoai Tây được mọi người sử dụng, bao nhiêu người bị trúng thực vì ăn quá độ trong mùa Lễ Tạ Ơn… Cho nên người viết bài này không làm việc đó nữa, nhưng chỉ xin phép được chia sẻ một chút cảm nghĩ về ngày lễ lớn này mà thôi.thanksgiving_dinner

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn”, hoặc “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Hai câu này cũng đồng nghĩa với câu: “sống êm ấm nơi hậu phương, nhớ ơn chiến sĩ ngoài tiền tuyến” mà chúng ta thường nghe trước tháng 4 năm 75… Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã được mọi người nhắc nhở là phải biết nhớ công ơn ông bà, cha mẹ đã nuôi nấng, lo lắng cho mình từng chén cơm manh áo. Nhớ ơn thầy cô dạy dỗ cho mình nên người. Nhớ ơn người thợ dệt cho mình có tấm áo che thân. Nhớ ơn bác nông phu chân lấm tay bùn để cho mình có được hạt gao trắng trong nấu cơm ăn no lòng. Nhớ ơn người thầy thuốc chữa cho mình những căn bệnh ngặt nghèo. Nhớ ơn chiến sĩ ngoài mặt trận chiến đấu cho mình được cuộc sống an lành nơi thành thị, để tự do cấp sách đến trường v.v…

Thông thường khi nói đến ơn nghĩa, có một số người chỉ nhắm đến những cái gì ồn ào, có tính cách mặt nổi, nhưng ít khi họ chịu khó để ý đến những điều tuy trông tầm thường nhưng về mặt tinh thần thì rất to lớn… Có người được ông bà, cha mẹ, anh chị nuôi nấng, dìu dắt từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, nhưng không hề biết đó là ơn nghĩa. Vậy mà có ai tỏ cử chỉ thân mật, hay ban cho một chút “ơn mưa mốc” nhất thời, hoặc nói với họ những lời ngon ngọt, là vội vàng nâng niu như báu vật, và không ngần ngại ruồng bỏ những người thân, cả đời đã hy sinh cho họ.

Ngày xưa cũng như nay, có những gia đình đông con, cha mẹ không đủ sức lo lắng cho tất cả mọi người, nên những bậc anh chị trong gia đình đó thường đóng một vai trò rất quan trọng. Họ luôn chịu mọi thiệt thòi để cho các em mình có đủ điều kiện học hỏi văn minh để tiến thân với đời. Nhưng sau khi các bậc cha mẹ qua đời, thì cũng là lúc những người con bắt đầu khôn lớn, học hành đổ đạt, có địa vị cao trọng trong xã hội, thì đối với thành phần khỏa bảng đó, những bậc anh chị của họ lập tức trở nên người “quê mùa, thất học”. Ðối với những người đáng trọng và cũng rất đáng thương này, thường không được nhớ đến trong các cuộc vui của những người khoa bảng, giàu có của chính gia đình đó… Dĩ nhiên, làm cha mẹ hay anh chị, không ai coi trọng những hy sinh mà họ dành cho con cái, hay em út của họ như một loại “ơn nghĩa”. Tuy nhiên, là con người có đầu óc thì phải biết ơn những ai đã hy sinh cho hạnh phúc, cho tương lai của mình, cho những gì tốt đẹp mà mình đang có.

Nhớ hồi đầu Thập Niên 60, lúc gia đình tôi còn ở dưới quê; hình ảnh mà tôi thường thấy là những cán bộ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đến các làng xã xa xôi để chữa bệnh, phát thuốc, xây dựng trường học, trạm y tế cho dân nghèo. Cá nhân tôi từng nhận được những cây bút chì, những cuốn tập được đựng trong túi ni-lon có ghi hàng chữ “Việt Nam Cộng Hoà săn sóc chúng ta”. Gia đình tôi cũng nhận được máy thu thanh để có thể theo dõi tin tức, để tìm hiểu văn minh của thành thị… Tuy mọi người được quan tâm như thế, nhưng thay vì biết ơn chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã lo lắng cho cuộc sống của mình, thì có người lại đi tiếp đón những kẻ tự xưng là “cách mạng”, hay mò về xóm làng trong đêm tối để tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản…

Sau này lớn lên tôi mới hiểu. Bọn cán bộ VC thường đưa ra những khuyết điểm của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà để làm lu mờ tội ác tày trời của chúng. Chúng thừa cơ đốt nhà dân và đổ tội cho người Quốc Gia. Chúng giết ông chồng rồi “chân thành” tìm đến nói lời “an ủi, chia buồn” với bà vợ. Chúng thủ tiêu những người không nghe lời chiêu dụ của chúng và ân cần hứa hẹn là sẽ “rửa hận” cho các gia đình nạn nhân… Thế rồi tất cả những oán hận ấy được người dân quê mùa, trút lên ân nhân của họ. Chỉ vì nhẹ dạ, chỉ vì không hiểu rõ những thủ đoạn của bọn VC gian manh, nên những nạn nhân của chúng còn hân hoan ca ngợi là “nhờ ơn bác và đảng”. Chính vì không biết đâu là đối tượng để “tạ ơn” hay “cảm ơn” nên ngày nay người ta mới dở cười, dở khóc.

Chúng ta thường hay nói “tạ ơn Chúa” hay “cảm ơn Trời” khi được giàu sang, khi thăng quan tiến chức, khi sức khoẻ dồi dào, rồi sau đó vội quên ngay, để thay vào đó bằng sự tự mãn trong lòng. Khi gặp hoan nạn, khó khăn, đau yếu, thì chúng ta lại nhớ đến “Ông Trời” mà “kêu Trời”. Nếu Trời cho mình toại nguyện thì mình tiếp tục cám ơn. Nếu vì lý do nào đó, lời cầu xin của mình không được như ý, thì mình không ngần ngại lên án “Trời già cai nghiệt, tạo hoá đa đoan”.

Cũng có người tưởng là hể cứ luôn miệng: “Tạ ơn Chúa” hay “lạy Chúa, lạy Chúa” là đã làm đẹp ý Ngài, mà không cần quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh, không cần biết ai đói, ai rách, ai sống, ai chết… Ðiều oái oăm là chính những người có thái độ như thế, cũng biết rằng Chúa đã từng nghiêm khắc phán: “Chẳng phải những kẽ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, đều được vào nước Thiên Ðàng đâu. Nhưng chỉ những kẻ làm theo ý muốn của Cha ta trên Trời mà thôi.” (Ma-thi-o 7:21) Và Thánh Kinh cũng không dừng ở đó, nhưng còn dạy con người phải yêu thương nhau; không phải bằng đầu môi, chót lưởi, mà bằng hành động: “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?” (Gia-cơ 2:15-16)

Cũng trong mùa “Lễ Tạ Ơn”, đang khi chúng ta được hít thở không khí thanh bình, tự do, thì đồng bào chúng ta ở quê nhà phải sống trong cảnh tù ngục, nghèo đói. Họ không được chọn lựa người xứng đáng để cai trị họ. Không được nói những điều họ muốn nói. Tài sản, vật chất của họ bị đảng VC cướp giật đã đành, nhưng ngay cả quyền tự do tín ngưỡng cũng bị đảng cướp VC tước đoạt nốt.

Ðứng trước hoàn cảnh thương tâm này, chúng ta cần làm gì để tạ ơn Trời đã cho chúng ta được cơ hội sống sung túc ở những quốc gia giàu có về mặt vật chất? Theo tôi, chúng ta hãy nhân những ngày lễ lớn này, đặc biệt cầu nguyện cho đồng bào chúng ta tại quê nhà, giảm thiểu tối đa những tốn kém về vật chất cho chương trình “Lễ Tạ Ơn” hay “Mừng Chúa Giáng Sinh”, hoặc các cuộc vui trong ngày Tết Nguyên Ðán để cụ thể chia sẻ chút ít vật chất cho những người đói khổ, những nạn nhân của các trận thiên tai, không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ nơi nào trên thế giới. Riêng các sự đóng góp cho những nạn nhân thiên tai, chúng ta cần phải thận trọng, vì không khéo những tặng phẩm của chúng ta sẽ lọt vào tay bọn côn đồ VC và đám người chuyên “làm từ thiện” theo kiểu bất lương.charity__1437495

Chúng ta đừng quên rằng những người đói lạnh, tù tội trong các nhà tù VC, không thể no lòng bằng những lời cầu nguyện suông từ những người quanh năm suốt tháng không hề dám bước ra khỏi ngạch cửa tư gia hay nhà thờ để tiếp xúc với mọi người, hầu có thể giới thiệu về sự cúu rỗi của Chúa, bởi ngại người ta nói mình “làm chính trị”. Hoặc những người đợi đến những ngày lễ lớn vào mùa đông để có dịp ngồi bên cạnh lò sưởi thì thầm với nhau về chuyện làm thế nào “hầu việc Chúa”? Làm thế nào “kính Chúa, yêu người”?

“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa…” Căn cứ theo lời dạy này, chúng ta sẽ cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa trong mùa Lễ Tạ Ơn và nhớ mãi rằng Chúa đã cho thế giới có bao chiến sĩ thuộc linh xông pha giảng tin mừng của Chúa qua bao nhiêu thời đại. Chúa cho dân tộc Việt Nam có lắm anh hùng, liệt nữ. Chúa đã cho người Việt Nam có lòng yêu nước, biết tôn trọng công bằng, nhân ái, biết sử dụng con tim để không quên những người đáng được nhớ ơn.

Lời kết: Cách thức “Tạ Ơn Trời” ý nghĩa nhất là hãy ăn năn tội lỗi của mình, quay về với Thiên Chúa, đầu phục Ngài bằng cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus làm cứu Chúa của mình, đối xử với mọi người bằng tình yêu thương chân thật mà Ngài đã dạy trong Thánh Kinh “Kính Chúa yêu người”. Cụ thể nhất là cùng nhau góp phần tranh đấu để chấm dứt các chế độ độc tài, mà đảng cướp VC là một điển hình, để cho mọi người trong nước có được quyền căn bản mà Thiên Chúa đã ban cho họ, nhưng đã bị những kẻ vô thần nhân danh đảng tước đoạt… Nếu chúng ta không làm được những việc đó, nếu chúng ta cứ tiếp tục thờ ơ, tiếp tục hiểu sai những gì Chúa dạy mà chỉ biết “nhắm nước Thiên Ðàng mà chạy nước rút”… tôi e rằng Thiên Chúa nhân từ và công bằng, sẽ không để “Nước Thiên Ðàng” chứa chấp chúng ta.

Huỳnh Quốc Bình (503) 949-8752

Email: huynhquocbinh@yahoo.com

This entry was posted in Những Chuyện Khó Nói, Uncategorized, Đời Sống Quanh Ta. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s