Huỳnh Quốc Bình
… Cha Mẹ đã hy sinh cho cháu con cả đời, chẳng lẽ vài mét vuông cho miếng đất để trồng rau, lúc các vị còn sống mà không có được, thì còn gì phũ phàng hơn?…
Khoảng thời gian của bậc tiểu học, tôi chỉ được sống gần Ba Má và anh chị em vào ba tháng hè. Những tháng còn lại thì được gia đình “biệt phái” sống chung với Ông Bà Ngoại và Dì Út để vừa đến trường Quốc ngữ, vừa được ông Ngoại dạy chữ Nho tại nhà và cũng vừa để người lớn trong nhà sai vặt. Ngoài giờ học tôi là cậu bé duy nhất phụ xách nước ao cho Bà Ngoại tưới vườn rau và giàn đậu, mướp, bầu bí… Tháng nào tôi cũng phải đội cả thúng rau quả để biếu hàng xóm và mang ra chợ bán hầu có thể mua lại những thức ăn khác, vì gia đình sử dụng không hết.
Đến năm tôi học lớp Nhất thì cũng là lúc Ông Ngoại tôi qua đời. Tôi phải trở về sống chung với gia đình, tiếp tục đi học.
Tôi vào Trung học được vài năm thì Ba tôi qua đời, chỉ một năm sau anh Hai chúng tôi cũng từ giả cỏi đời vì nạn đao binh thời chinh chiến. Những người anh khác phải ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thường xuyên ở ngoài mặt trận hay đơn vị, ít khi có mặt ở nhà. Do đó tôi trở thành người thanh niên duy nhất trong gia đình phải “quán xuyến” tất cả công việc nặng nhọc nhất, trong đó có việc gánh nước cho Má tưới vườn rau như thời sống chung với Ngoại.
Má tôi rất “mê” vườn rau của mình. Người chăm sóc từng bụi rau, lá cải như chăm sóc cháu con. Có bữa Người ra vườn rau và lọ mọ cho đến khi trời xụp tối mới chịu vô nhà. Công việc chăm sóc vườn rau kéo dài cho đến sau ngày VC chiếm miền Nam. Lúc bấy giờ vườn rau của Người bổng trở thành một phần của mạch sống gia đình, bởi thời “gạo châu củi quế”, và phải thắt lưng buột bụng khi bọn VC áp đặt chủ nghĩa cộng sản tàn bạo lên đời sống của người dân miền Nam, để rồi mọi người từ đời sống sung túc đến đói nghèo, lầm than…
Trước khi vượt biên tìm tự do, tôi có thời gian ngắn về sống chung với Má tôi và các anh chị em. Mỗi bữa cơm đạm bạc của gia đình, tôi hay cầm rỗ cắt rau cải trong “miếng vườn” còn lại trước sân nhà để làm món rau sống, hầu cả nhà “ăn độn” cho bớt tốn cơm. Tôi nói “cắt rau”, vì Má tôi ít khi nào dùng tay hái rau, bởi Người cho rằng làm như thế cọng rau sẽ bầm dập và thân rau còn lại khó đâm chồi.
Sau ngày giặc cộng chiếm miền Nam, tôi vượt biên tìm tự do, ở trại tỵ nạn, rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Cuộc đời thật thăng trầm, buồn vui lẫn lộn. Mỗi khi có dịp hồi tưởng lại những ngày còn niên thiếu, điều làm tôi nhớ nhiều nhất là vườn rau của Ngoại và Má tôi. Tôi nhớ đến nỗi có lần phải bật khóc.
Nói đến “vườn rau của ngoại và của má” thì phải nói loại rau húng lũi (húng nhũi) là loại mọc “hỗn” và xanh tươi nhất nên được mọi người chú ý nhất. Vườn rau của Ngoại thì phải nói là có thể cung cấp cho cả xóm. Vườn rau của Má tôi thì góp phần đáng kể cho những bữa ăn của cả nhà sau ngày VC chiếm miền Nam. Rau húng lũi là loại rau dễ trồng, dễ ngửi, dễ ăn và dễ giữ nó tồn tại lâu dài.
Người ta mô tả rằng: Húng lũi là một loại rau thơm, có mùi hương dễ chịu, thường có mặt trong rỗ rau sống của bữa ăn gia đình, đặc biệt là các món nướng, thiếu hương vị của húng lũi thì thật đáng tiếc. Hàng thế kỷ nay, húng lũi đã cống hiến cho đời hương thơm, vị the và một khả năng chữa bệnh tuyệt vời. Giới thích ăn rau quả thì tin rằng rau húng lũi “có vị thuốc”, bởi “tuyệt chiêu” của nó là làm dịu đi những cồn cào khó chịu ở dạ dày. Chỉ cần vài lá húng lũi ăn kèm với cá thịt cũng đủ làm chén cơm thêm phần đậm đà hương vị. Theo một số tài liệu về “thuốc Nam” người ta cho rằng húng lũi làm chậm đi sự tăng sinh của vi khuẩn và các loại nấm gây bệnh, trị bệnh suyễn, các bệnh về hô hấp do khả năng làm dịu cổ họng, mũi, các ống hô hấp… Húng lũi còn có một đặc tính độc đáo khác là giúp vệ sinh răng miệng, làm hơi thở thơm tho, có chức năng làm giảm sự tăng trưởng của các loại vi khuẩn sống bám ở răng và lưỡi. (hết trích)
Người viết bài này vượt biên tìm tự do vào đầu năm năm 1979. Đến trại tỵ nạn nằm chờ suốt mười tám tháng để được định cư tại Hoa Kỳ. Khoảng thời gian dài ở trại tỵ nạn, tôi không còn dịp thấy được một cọng rau nào trong các loại rau thơm như lúc còn ở quê nhà, chứ đừng nói là thưởng thức. Đến Hoa Kỳ giữa năm 1980, tôi được sống chung gia đình với người bảo trợ Mỹ ở một thành phố miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Vào thời đó ít khi thấy bóng dáng người Việt để nhìn nhau cho đở nhớ quê hương.
Vào mùa Hè của năm đầu, sau mấy tháng sống xứ người, có lần tôi đi bộ từ trạm chuyển tiếp của xe buýt để về nhà. Trên đường tôi được ngửi “nghe” một mùi thơm rất quen thuộc. Theo hướng gió, tôi tiến gần mùi thơm đó. Tôi thấy một “rừng” rau, giống húng lũi quá chừng, mọc ngổn ngang bên hông nhà người dân bản xứ. Không tin vào mắt mình, tôi cúi xuống ngắt một lá vò cho nát rồi đưa lên mũi ngửi. Sau khi nhận ra mùi rau húng lũi, tôi bổng cảm thấy mắt mình cay xè và rồi bật khóc “ngon lành” như thằng con nít bị ba mẹ hay anh chị cho ăn đòn, mà không thể kiềm chế được.
Tôi mừng quá vì đúng là mùi “húng lũi” đây rồi. Bây giờ tôi bổng nhớ đến một tài liệu mà tôi từng đọc trước đó khá lâu. Tác giả chứng minh rằng, để giúp con người nhớ lại một điều gì đó đã qua, người ta cần kích thích trí óc bằng âm thanh, mùi vị và hình ảnh. Và kết quả cho thấy, hình ảnh của quá khứ không mang con người về “vùng kỷ niệm” nhanh chóng bằng “mùi vị” thí dụ khi người ta ngữi được một mùi quen thuộc nào đó. Riêng mùi của các loại rau thơm, nhất là mùi rau hung lũi là một thứ hương vị mà tôi từng thưởng thức lúc còn là thằng bé từng mặc quẩn “thủng đít” đá banh, hái bần, bắt dế, đào củ năng ngoài đồng ruộng, cho đến lúc trưởng thành thì làm sao tôi quên được.
Trở lại vụ đám rau húng lũi của người bản xứ. Vì chủ nhà thấy có người lạ tay ôm cặp đứng bên hông nhà của mình mà khóc, nên một người đàn ông Mỹ ngạc nhiên và bước ra hỏi cho biết. Vì không đủ khả năng tiếng Anh để diễn tả, nên tôi chỉ biết chỉ tay vào đám rau và sờ vào mắt mình để mong ông Mỹ hiểu mình đang buồn. Ông Mỹ nói và tôi nghe rồi đoán để có thể hiểu “lõm bõm” rằng: “Nếu bạn thích nó, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể trở lại để hái một ít”. Thấy ông Mỹ cởi mở nên tôi cười xã giao và hái khoảng một nắm tay húng lũi mang về nhà. Bữa cơm chiều, tôi rửa sạch bỏ lên đĩa rồi đặt lên bàn. Bà bảo trợ hỏi tôi muốn dùng nó để làm gì? Tôi trả lời là muốn dùng làm thức ăn. Bà cười nhưng không ngăn cản, còn ông thì lấy mấy lá bỏ vào ly trà của ông để thưởng thức. Cũng may, trúng ngày hôm đó trong nhà ăn món gà nướng nên tôi tha hồ tìm lại được hương vị ngày xưa.
Sau lần đó, hầu như tuần nào tôi cũng ghé qua vài lần, dành vài phút để ngửi mùi rau húng lũi cho đở nhớ quê nhà. Từ từ tôi mới nhận ra là mùi của “húng lũi Mỹ” nó cay gắt hơn loại húng lũi Việt Nam. Tôi nghĩ, thì chắc nó cũng là bà con giòng họ gì với húng lũi của mình bên quê nhà. Tôi nhủ thầm “kệ cha nó, con người còn bị lai, có sao đâu, huống chi là cây cỏ..”
Bây giờ thì rau húng lũi “thứ thiệt” tràn đầy hầu hết trong các vườn rau của những gia đình Việt Nam tại hải ngoại, nhất là tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ có đông người Việt và nắng ấm như California, Texas và Florida. Trong một bài viết có tiêu đề “Vườn Rau Việt Nam Trong Lòng Nước Mỹ”, của tác giả Lê Kim Anh nói lên được điều này: “Nếu ai có dịp ghé thăm thành phố Houston người ta sẽ bắt gặp chợ chồm hổm như ở quê nhà… Ở đây có bán nhiều loại rau như rau muống, rau dền, rau mồng tơi, rau đay, cải bẹ xanh, rau diếp v.v. có cả cà chua, cà pháo, khổ qua, mướp hương, bầu, bí ngô, bí đao v.v. Những loại hành lá chợ Mỹ bán đầy dẫy thế mà ở đây cũng có mặt, còn rau thơm như ngò, húng cây, húng nhũi, húng quế . . . Những món hàng này là của các cụ bà trồng được ở vườn nhà đem ra đây bán…”
Bây giờ nhớ lại các vườn rau của trên bốn mươi năm về trước, tôi hết sức chạnh lòng. Sau khi tôi rời Việt Nam thì chẳng bao lâu Ngoại tôi qua đời, Má tôi cũng lìa trần. Các vườn rau năm xưa không còn nữa, bởi đất con người còn không có mà ở, khi chết thiếu điều không có chỗ chôn, thì đất ở đâu mà làm vườn rau?
Mỗi lần có dịp về California, ngoài việc thăm gia đình bên vợ, tôi đều dành nhiều thì giờ thăm gia đình người em ruột của Má tôi. Cậu Mợ tôi và một số con cái sang Hoa Kỳ theo diện tù nhân chính trị sau khi Người bị tù “cải tạo” VC trên mười năm. Cậu Mợ tôi sống trong một chung cư trên hai mươi năm. Dù chung cư khá cũ, nhưng các vị nhất định không chịu di chuyển đi đâu cả. Có người thắc mắc, con cái cũng mong các vị di chuyển lên chỗ sang trọng hơn, nhưng các vị đều từ chối. Riêng tôi thì không thắc mắc, vì biết chắc rằng Cậu tôi không thể rời cái vườn rau trước nhà. Dù ở chung cư, nhưng Người may mắn có được miếng đất trống khá lớn, vì căn chung cư của Người ở nằm ngay một góc, có miếng đất với diện tích lớn hơn đơn vị hai phòng mà Người đang ở. Người trồng đủ loại rau, nhưng không tốn một đồng xu tiền nước tưới rau, vì nước miễn phí. Hầu hết các gia đình Việt Nam trong chung cư ấy ăn rau cải của Người không tốn tiền. Mỗi lần về thăm Cậu Mợ, tôi đều ra trước vườn rau trò chuyện với mấy chú em họ, khi các chú làm công việc “nhớ nhà…”. Riêng tôi, dù không còn hút thuốc như xưa, nhưng lần nào mắt cũng cay cay, bởi niềm xúc động dâng trào, khi nhớ đến vườn rau của Ngoại và của Má qua vườn rau của Cậu mình.
Tại Hòa Kỳ này, ngoài những vị cao niên Việt Nam trồng rau để bán kiếm chút tiền gửi về cho người thân bên quê nhà, như báo chí đề cập. Thì cũng có nhiều người khác trồng rau cải vì thích sau nhà có vườn rau để “có việc làm”, chứ chưa hẵn là tiết kiệm được tiền bạc. Bởi tiền nước và tiền mua phân bón, tính ra nhiều hơn tiền mua rau cải ngoài chợ Mỹ hay chợ Việt Nam.
Có những gia đình Việt Nam, con cháu vì không hiểu ý ông bà, cha mẹ, nên vô tình “đụng chạm” vào thú tiêu khiển có thể nói là “duy nhất” còn sót lại trong đời, của một số cao niên Việt Nam sống đời xa xứ. Đó là trồng rau cải sau vườn.
Tôi viết bài này để hồi tưởng lại vườn rau của Ngoại, của Má tôi và cũng để nhắc lại vài kỷ niệm thời trai trẻ, lúc còn sống trên quê hương yêu dấu, mà nay phải nghìn trùng xa cách. Vợ chồng tôi cũng có vườn rau nhỏ sau nhà, nhưng rau húng lũi ngày nay không thể thay thế húng lũi của Ngoại và của Má. Tôi ước ao được quay về thời niên thiếu, để có lại những ngày còn trai trẻ sống bên mái ấm gia đình. Dù cuộc sống đạm bạc nhưng còn ông bà, cha mẹ và anh chị em.
Nếu không có bọn VC chiếm miền Nam, thì chắc chắn tôi không phải ăn rau húng lũi đã lai mùi.
Nếu ai còn cha mẹ, ông bà sống chung trong nhà, tôi có thể nói các bạn có phước lắm. Để giúp các Cụ vui hưởng tuổi già, chúng ta có thể dành cho các Cụ miếng đất nhỏ làm vườn, thay vì các bạn trồng cỏ. Người viết tin chắc, đó là món quà quý báu mà các bạn có thể dành cho các bậc cao niên trong gia đình. Các vị đã hy sinh cho cháu con cả đời, chẳng lẽ vài mét vuông cho miếng đất để trồng rau, lúc các vị còn sống mà không có được, thì còn gì phũ phàng hơn? Chúng ta đợi khi các vị qua đời, rồi mới xây mồ mả to lớn, thì các vị đâu còn được tận hưởng niềm “hạnh phúc” đó. Các bạn thử nghĩ xem?
Huỳnh Quốc Bình
email: huynhquocbinh@yahoo.com