Huỳnh Quốc Bình
Người thật sự có Chúa không thể là kẻ ăn lường, ở lận, gian xảo, điêu ngoa, tham lam, ích kỷ, và có những hành động đê tiện.
***
Vào những này đầu năm Âm Lịch tức là thời điểm người Việt Nam đón mừng Tết Cổ Truyền của dân tộc mình, chúng tôi thấy nhiều người có thói quen chúc nhau “Năm mới phát tài” bên cạnh những lời chúc lành khác. Trong tinh thần này, người viết cũng xin mượn hai chữ “phát tài” để lạm bàn chuyện tiền bạc cho vui.
Liên quan đến chuyện phát tài, người viết có nghe một câu chuyện nói về một người nhận mình là người “Được Chúa xoa đầu”. Số là tại Thành Phố San Diego hay một vùng phụ cận nào đó của thành phố này thuộc Tiểu Bang California, có một mục sư Việt Nam rất thành công về mặt vật chất và chức vụ trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngay từ vài thập niên trước, ông mục sư này từng tạo được nhiều căn nhà hay chung cư cho mướn. Trong số tài sản về địa ốc đó, ông có một căn nhà gần một triệu Mỹ kim. Ông hãnh diện mời các mục sư và tín hữu trong vùng đến để xem nhà mới lộng lẫy của ông. Trong lúc gọi mời mọi người, thông điệp mà ông gởi ra là: Hãy đến để thấy “Chúa xoa đầu tôi”. Ý ông muốn nói sự giàu có của ông là một cái phước mà ông cần phải “khoe mình trong Chúa”.
Khi suy nghĩ kiểu đó và dám nói ra như vậy, chúng tôi nghĩ ông mục sư này đang đi trên mây bởi vì không lẽ chỉ “mình ên” ông “được Chúa xoa đầu” còn quý mục sư, tín hữu chân chính khác “bị Chúa đá đít” hay sao? Thảo nào mà ông này vừa giữ chức cao trọng Hội Thánh lại vừa có dư thì giờ để tạo ra nhiều tiền mua nhà và chung cư cho đám dân nghèo và “những kẻ bị Chúa đá đít” mướn, cũng không có chi là lạ.

Một ông “mục sư” khác được xem là thất bại trong chức vụ bởi vì ông phạm nhiều thứ tội lăng nhăng khác. Ông ta cứ đòi các con phải mua xe đắt tiền, tức là loại “luxury”để ông lái hầu cho mấy mục sư khác không khinh ông. Chúng tôi không biết trường Kinh Thánh nào đã đào tạo ông này, và nhà thờ hay giáo phái nào đã “rờ đầu” tấn phong chức vụ cho ông? Làm tới chức “sư” mà còn nghèo nàn hay dốt về cách nhận xét cuộc đời đến thế. Tư cách và nhân cách của con người mới đáng trọng chứ đâu phải do lái xe sang trọng, mới là đáng trọng. Người có nhân cách và tư cách, không ai cướp được hay hạ được cái tư cách hay nhân cách của họ. Nhân cách hay tư cách là của mình có được và chính mình mới có thể tự đánh mất nó. Người khác không thể ban tặng nhân cách cho mình, hoặc giáo hội có thể rờ đầu phong cho chúng ta. Người có địa vị trong xã hội, lái xe xịn, ở nhà lầu, tiền bạc dư thừa trong ngân hàng chưa chắc là người có nhân cách hay liêm sỉ.
Người có nhân cách và lòng tự trọng đều công nhận rằng: Vật chất chỉ là phương tiện sống của con người chứ nó không phải là thước đo về mặt đạo đức của con người. Một kẻ có nhiều tiền lắm bạc nhưng mà là tiền ăn cắp, của cải gian lận, hay tài sản ăn cướp từ người khác, chắc chắn nhân cách của kẻ đó không thể hơn một người tuy nghèo nhưng có đời sống thanh bạch.
Có những thành phần, hễ mở miệng ra là nói toàn chuyện thiêng liêng. Có dịp là họ nói “Chúa”, “Chúa”, hay “A-men”, hoặc “Mô-Phật” hay “A-di-đà-Phật” không ngớt lời; thế mà khi cần dở thủ đoạn gian dối, kể cả những người từng ngồi tù vì các trọng tội cũng chưa chắc qua mặt được nhóm người này.
Ai cũng có thể phạm tội hay có lỗi lầm, nhưng khi đã phạm tội, người đó phải biết ăn năn. Có những kẻ phạm tội tham lạm tiền bạc và bị bắt quả tang, thay vì cúi đầu nhận lãnh, bọn này lại làm lơ, bất chấp những thắc mắc của những người tử tế. Một điều có thể gọi là chướng tai, gai mắt nhất khi người ta phải nhìn thấy bọn này tiếp tục mượn bục giảng, toà giảng, hay sử dụng khuôn viên nhà thờ, chùa chiền, và thánh thất để nói chuyện đạo đức, thiêng liêng một cách hết sức lố bịch.
Đọc đến đây có thể ai đó cho rằng người viết thấy người ta giàu rồi ganh ghét chăng? Xin thưa, giàu không phải là cái tội và giàu không có gì đáng ghét. Ai có nhiều tiền lắm bạc bằng những phương cách làm thương mại chân chính không có gì là xấu. Có khi người khác cũng cần phải học phương cách làm giàu của những người đó nếu mình muốn chọn con đường giàu có về mặt vật chất đời này.
Trong xã hội, người ta thấy một bác sĩ, một thương gia, một tài tử, hay nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều tiền lắm bạc là chuyện bình thường. Chứ còn kẻ nào nhận mình là “đầy tớ của dân” mà dân nghèo “mạt rệp” còn những kẻ đó giàu “nứt trứng” mới là bất thường. Thiết nghĩ ai đã đi tu hay chọn làm công tác từ thiện mà có nhiều nhà lầu, biệt thự, chung cư cho mướn, xe hơi loại đắc tiền, có công ty, có nhiều tài sản từ Việt Nam ra đến hải ngoại, dứt khoát phải cho người ta thắc mắc chứ.
Trên đời này không phải điều nào cũng đúng hay cũng tốt, cho nên Kinh Thánh khuyến cáo con dân Chúa là, “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2). Ai chọn làm theo đời này, nhiều phần sẽ nghịch lại với Thánh Kinh. Thí dụ, kẻ nào muốn phát tài theo kiểu bất chính, dứt khoát kẻ đó phải loại Chúa ra khỏi đời sống của mình. Người thật sự có Chúa không thể là kẻ ăn lường, ở lận, gian xảo, điêu ngoa, tham lam, ích kỷ, và có những hành động đê tiện.
Con dân Chúa vẫn có thể phạm tội nhưng không thể phạm tội triền miên hay theo loại “ủ tội” giống như người ta ủ hèm để nấu rượu. Nếu không loại Chúa ra, người ta không thể làm giàu bất chính. Nếu không loại Chúa ra, người ta không thể gian dối trong mua bán. Nếu không bỏ Chúa ở nhà, người ta khó mà đến sóng bạc để “thử thời vận”. Nếu để Chúa cùng đi trên xe với mình, mình không thể đi cùng người khác phái theo kiểu mờ ám vì người đó không phải là người phối ngẫu của mình. Nếu không “đuổi” Chúa ra khỏi phòng lạ, người ta làm sao phạm tội tà dâm? Nếu để Chúa trước mặt, người ta khó mà ăn nói theo kiểu mất dạy hay vô cớ nguyền rủa người khác. Nếu không coi thường sự hiện diện của Chúa trong mỗi buổi thờ phượng Ngài, người ta khó mà làm chứng dối hay làm chứng về những ơn phước thuộc loại xác thịt cho được.
Phước của Chúa không phải là loại phước về vật chất hay địa vị cao trọng ngoài đời hay trong giáo hội. Phước của Chúa phải là những thứ phước “từ chết đến bị thương” giống như mấy vị linh mục hay mục sư bên Việt Nam đang xổng lưng giảng về chân lý của Chúa, bảo vệ lẽ công chính, bênh vực người thấp cổ bé miệng, và cáo trách tội ác để cuối cùng họ phải chấp nhận sự trả thù tàn độc từ kẻ ác.
Phước của Chúa không phải chờ mỗi Chúa Nhật leo lên bục giảng hay toà giảng để nói lời thiêng liêng nửa vời và dạy cho người khác những điều mà mình không bao giờ làm được. Phước của Chúa là biết chọn vào “con đường hẹp” như lời Đức Chúa Jesus đã phán, “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít” (Ma-thi-ơ 7:13-14).
Ai có đọc Thánh Kinh Sách Ma-thi-ơ 5: 3-10 đều biết rõ trong “Bài Giảng Trên Núi” của Chúa Cứu Thế Jesus. Ngài giảng về tám phước lành, không hề có cái phước nào về vật chất cả.
Kết luận
Nếu ai xem sự giàu có mới là cái phước hay thích phát tài theo kiểu bất chính, dứt khoát người đó phải “loại Chúa ra”, mới dễ dàng có được.
Để đừng ai hiểu lầm, người viết xin nói rõ trong phần kết luận này. Chúa cho những con dân Ngài thành công trên phương diện nào đó như địa vị ngoài xã hội hay sự giàu có là để góp phần hầu việc Ngài chứ không để trở thành kẻ gian manh hay nô lệ cho sự thành công đó. Nếu ai nhận mình là con dân Chúa mà chỉ thích làm theo đời này, thích của cải đời này, thích ngụp lặn trong bể lợi danh, thích đắm chìm trong vật chất, thích hãm hại người hiền theo kiểu ném đá dấu tay, và dửng dưng trước nỗi khổ đau hay sự đói nghèo của người khác, người đó hãy coi chừng, đó là cái họa đấy.
Huỳnh Quốc Bình
email: huynhquocbinh@yahoo.com