Huỳnh Quốc Bình
Khi có người thân yêu qua đời, ai tỏ ra đau khổ là người bình thường. Kẻ nào tỏ ra vui mừng khi có người thân yêu qua đời là thứ bất thường, là “đồ bất nghĩa”.
Đại văn hào người Anh- William Shakespeare từng nói một câu để đời trong một tác phẩm của ông, “Cowards die many times before their deaths; the valiant never taste of death but once.” Xin tạm thoát dịch, “Những kẻ hèn nhát phải chết đi chết lại nhiều lần, song người dũng cảm chỉ chết một lần mà thôi”. Dĩ nhiên câu này chỉ là nghĩa bóng để nói lên kết quả của sự hèn nhát là cuối cùng rồi cũng phải chết, nhưng lại chết trong bầm dập, chứ thông thường, ai cũng chỉ chết một lần. Riêng Thánh Kinh đã khẳng định, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hebrews 9:27).
Là con người yếu đuối bất toàn, ai cũng sợ chết. Ai nói mình không sợ chết, đó là lời cường điệu hay thiêng liêng “quá mấu”. Tôi từng biết một anh khi được hỏi về “khả năng đặc biệt của anh là gì?”, anh ta lại trả lời theo kiểu đại ngôn rằng, “khả năng đặc biệt của tôi là không sợ chết”.
Có những người cho rằng lời xác quyết trên thật đáng mặt anh hùng, nhưng riêng tôi, đó chỉ là một lời nói phách lối, hay nói cho oai, hoặc cho sướng miệng thôi. Người biết tôn trọng mạng sống của mình, ngại cái chết, hay rất sợ chết, nhưng khi cần chết cho lẽ phải, người đó sẵn sàng hy sinh mạng sống mình mới là đáng quý, chứ không phải như những kẻ ươn hèn, chỉ thích nói những lời đao to, búa lớn mà lại tỏ ra khiếp nhược trước kẻ gian để được yên thân.
Đọc Thánh Kinh, tôi thấy Chúa Cứu Thế Jesus lúc còn tại thế với thân xác con người, Ngài cũng ngại phải đối diện với đau đớn và sự chết, nhất là sự sợ hãi khi biết mình sắp phải lìa xa Cha mình (Đức Chúa Trời). Bằng chứng, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Cứu Thế Jesus đã cầu nguyện với Chúa Cha nhiều lần rằng, “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Matthew 26: 39). Chưa hết, trước khi tắt thở, Ngài đã thống thiết kêu lớn tiếng lên rằng, “Ðức Chúa Trời tôi ơi! Ðức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46b).
Đường nào, ai cũng chết, nhưng nếu ai dám chết trong Chúa, mới là cái chết phước hạnh. Giống như người vào chốn hiểm nguy để giảng về sự cứu rỗi của Chúa. Họ là những “Khinh Binh Thập Tự” đã tình nguyện giảng về sự cứu rỗi của Chúa ở những nơi mà con người còn đời sống man rợ, và họ đã bị giết chết. Có những cái chết vì người khác, rất đáng tôn trọng, như hình ảnh một người dám xổng lưng bảo vệ đức tin, bảo vệ chân lý và họ sẵn sàng chết trong đức tin. Giống như người lính cứu hoả đã xông vào chỗ hiểm nguy để chữa cháy, để cứu người, còn người lính chiến ngoài mặt trận, chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc của đất nước trần gian mà Chúa ban cho họ.
Cái chết đến với con người kể từ khi Tổ Phụ loài người là ông A-đam đã phạm tội cùng Chúa. Sự chết không tha bất cứ một ai. Không chết trẻ, cũng phải chết già. Cái chết đến với con người bằng nhiều cách. Có những cái chết bất ngờ, nhưng cũng có cái chết một cách tiệm tiến. Thí dụ: Ai cũng biết, hể phung phí sức khoẻ dù cố ý hay vô tình, cũng đều chết sớm hơn tuổi thọ. Biết như thế nhưng con người không sợ cho đến khi gần kề cao điểm của sự chết, mới bắt đầu biết sợ chết, nhưng đã muộn.
Không ít người coi rẻ mạng sống của chính mình mà không biết, nên có một danh nhân đã nói, “Một điều rất lạ là con người phung phí sức khỏe để tích lũy tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.”
Cũng có người than phiền rằng, con người thường học cách kiếm sống, nhưng không học cách sống, có nhiều năm để sống, nhưng không biết cách tạo cho cuộc sống dài hơn với một thân thể khoẻ mạnh. Sống, còn là để tận hưởng những khoảnh khắc chứ không chỉ để tồn tại mà thôi.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, người ta có thể bỏ tiền mua một chiếc nhẫn hột xoàn vài chục ngàn Mỹ kim để đeo trên người, nhưng mua một chai thuốc bổ vài chục đồng, người ta lại ngại; cho đến khi gần kề cái chết, mới bắt đầu bán nhẫn mua thuốc bổ hầu hy vọng kéo dài tuổi thọ.
Ai cũng muốn được vào Thiên Ðàng, nhưng vì sự yếu đuối, bất toàn, nên lại nuối tiếc trần gian. Trong một vài tang lễ tôi có tham dự, tôi thấy có những lời giảng dạy rất “chướng tai”. Dù tôi cũng tin vào nước Thiên Đàng, tôi không chỉ tin hời hợt mà tôi tin một cách mãnh liệt, nhưng tôi không thể “tiêu hoá” nổi những lời giảng dạy vừa phản Thánh Kinh vừa xa rời thực tế của cuộc đời. Bằng chứng có một ông mục sư Việt Nam, chứng minh trong bài giảng là có những đám tang của người Tin Lành Hoa Kỳ, thân nhân người qua cố tỏ ra vui mừng, vì họ biết người thân của mình qua đời là về với Chúa ở chốn Thiên Đàng. Một ông mục sư khác lại “tỉnh bơ” nói lời thiêng liêng trong tang lễ của ông già vợ ông rằng, “Hôm nay không phải ngày buồn, mà là ngày vui của chúng tôi, vì Ba vợ của tôi được về với Chúa trên Trời.” Lạy Chúa của con, sao mà có nhiều người “thiêng liêng” quá mức bình thường như thế?
Là người có niềm tin, chúng ta có thể “làm chứng” về sự bình an thật mà mình có khi người thân của mình ra đi. Không ai cấm mình có những lời chúc tốt đẹp về Nước Thiên Ðàng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, nếu chúng ta chúc một cách quá “thiêng liêng”, không thực tế, sẽ làm người chưa có niềm tin hoang mang. Khi có người thân yêu qua đời, ai tỏ ra đau khổ là người bình thường. Kẻ nào tỏ ra vui mừng khi có người thân yêu qua đời là thứ bất thường, là “đồ bất nghĩa”.
Có người thiêng liêng không đúng lúc và đúng chỗ. Truyện kể, một bà nọ tham dự tang lễ của con một người bạn thân cùng niềm tin với bà. Cậu con trai này qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Người mẹ vì quá thương tiếc con nên khóc lóc, vật vã. Bà bạn nói lời an ủi hết sức thiêng liêng, “Thôi chị ơi, khóc lóc chi mà dữ thế? Con chị qua đời sẽ vào Nước Chúa, đáng lẽ chị phải mừng vui, chứ sao lại khóc?” Nghe lời “thiêng liêng” này, bà mẹ đau khổ quay lại quát bà bạn rằng, “Sao chị không xin Chúa bắt chị đi sớm mà chị mừng cho con tôi chết sớm?” (Đây là chuyện thật 100%, do một người bạn của tôi chứng kiến và kể cho tôi nghe)
Khi có người qua đời, thân nhân người quá cố thường khóc thương, kể lể. Có những trường hợp, người qua đời không liên hệ tình cảm gì với mình, nhưng vì thấy người khác khóc rồi mình bị xúc động nên khóc theo. Khóc cách nào cũng không hại, miễn đừng tỏ ra vui mừng, hớn hở trong tang lễ là được. Một chuyện có thật mà tưởng như đùa. Hai mẹ con bà kia đi đưa một đám tang. Vì thấy thân nhân người quá cố khóc than nên cô con gái cầm lòng không đặng, nên khóc theo. Bà mẹ mắng cô con gái rằng, “Khóc vừa vừa thôi, nước mắt làm lem con mắt hết.”
Có người tham dự tang lễ của ai cũng khóc lóc như cha chết, nhưng nếu cần giúp đỡ tài chánh cho tang chủ, “tiền ra như máu chảy”. Thành phần này khi người ta còn sống họ thường không để ý, vì “sống chết mặc bây”, nhưng khi người ta qua đời, nếu được mời cầu nguyện, họ sẽ cầu nguyện hết sức dông dài và nói những lời từ biệt hết sức “thiêng liêng” và “mùi mẫn” hoặc “thiết tha”.
Dù là con dân Chúa, dù là người có niềm tin vào Thiên Chúa, dù chúng ta có đức tin mãnh liệt vào Nước Thiên Đàng là một nơi an bình, vĩnh cửu, không có đau khổ, chết chóc, không có dối trá, lọc lừa hay chia ly, tang tóc, như ở trần gian. nhưng thử hỏi, có ai muốn vào nơi đó sớm hơn bình thường không? Ai thì không biết, riêng tôi, tôi vẫn khoái sống trên trần gian này, bởi vì tôi là người yếu đuối bất toàn. Tôi biết rõ con người tôi và Chúa càng biết rõ tôi hơn. Cho nên tôi xin Chúa cho tôi có thêm tuổi thọ để tôi hầu việc Ngài. Ngày nào Chúa cho tôi còn thở, còn khoẻ mạnh, tôi xin Chúa cho tôi có sự khôn ngoan để suy nghĩ, để nói và làm những điều ích lợi cho những người thân yêu của tôi, người lân cận, và xa hơn nữa là đồng bào, đồng loại của tôi. Dĩ nhiên là theo ý Chúa và ngày nào Chúa cất tôi đi, tôi xin Ngài cho tôi đi một cách nhẹ nhàng, không làm khổ người khác. Chứ tôi không ra vẻ thiêng liêng theo kiểu “quá mấu” hay nửa vời.
Đối với tôi, khi có lời phân ưu hay nguyện cầu cho tang gia. Tôi chỉ nguyện cầu cho người còn ở lại và chỉ bày tỏ lòng thương tiếc cho người đã vĩnh viễn ra đi. Vì Kinh Thánh đã khẳng định, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hebrews 9:27).
Theo lời của Thánh Kinh, hễ ai tin vào chương trình cứu rỗi nhân loại của Chúa, sẽ được cứu, được làm con Chúa, và được sự bình an thật. Tin Chúa, tội sẽ được tha, linh hồn sẽ được cứu, dù đã chết rồi. Ðây là lời hứa của Chúa Cứu Thế Jesus, “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (John 11:25).
Khi cha mẹ hay người thân yêu còn sống trên đời, chúng ta thường lơ là hay không thật lòng thương yêu họ. Chờ khi họ gần lìa trần hay vĩnh viễn ra đi, chúng ta mới bày tỏ lòng thương tiếc, đã quá muộn màng.
Kết luận
Ai cũng phải chết một lần và chết không phải là hết, mà chết xong còn phải chờ Thiên Chúa định tội, chứ không còn kiếp nào khác để còn cơ hội “tu tâm dưỡng tánh”. Tôi tin lời Thánh Kinh nên xin phép bày tỏ như thế. Ai tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa sẽ được vào Thiên Đàng. Một khi Thiên Đàng đến gần, địa ngục cũng kề bên. Làm sao để vào Thiên Ðàng? Câu trả lời là phải công khai tiếp nhận Chúa, chịu phép Báp-tem, lìa xa những tội lỗi, và làm theo lời dạy của Thánh Kinh, bởi Thánh Kinh đã khẳng định, “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5: 12). Dù vậy, Thánh Kinh cũng cho con người một lời hứa, “Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. Bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết (1 Cô-rinh-tô 15: 20-21).
Cầu xin Chúa cho mọi người trong chúng ta cùng ý thức thân phận của mình, trước khi quá trể. A-men!
Huỳnh Quốc Bình
Email: huynhquocbinh@yahoo.com